Quảng Ngãi: Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước dành 39% quỹ đất cho xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp (KCN) Bình Hòa - Bình Phước (thuộc Khu kinh tế Dung Quất) vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, với tổng diện tích hơn 2.335 ha. Trong đó, đất xây dựng chiếm 39%; đất đô thị, dịch vụ chiếm 12,1%...
Vị trí quy hoạch Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước (vòng tròn màu đen)
Vị trí quy hoạch Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước (vòng tròn màu đen)

Theo Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, KCN Bình Hòa - Bình Phước có tổng diện tích 2.335 ha, thuộc địa bàn các xã Bình Phước, Bình Hòa, Bình Trị, Bình Thanh (huyện Bình Sơn). Phía Đông giáp đường Võ Văn Kiệt (Quốc lộ 24C); phía Tây giáp phân khu Trung tâm đô thị Châu Ổ và vùng phụ cận; phía Nam giáp đường Võ Văn Kiệt (Quốc lộ 24C); phía Bắc giáp sông Cà Ninh. Về tính chất, KCN Bình Hòa - Bình Phước là khu phát triển công nghiệp tổng hợp, đa ngành, chủ yếu là công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Hòa - Bình Phước tuân thủ theo Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 và Quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành có xét đến yếu tố đặc thù. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tỷ lệ cân đối: đất xây dựng chiếm 39%; đất đô thị, dịch vụ 12,1%; đất ngoài dân dụng (cây xanh, giao thông đối ngoại...) 7,8%; đất khác như đất ao hồ, nông nghiệp, sông, kênh thủy lợi, hành lang... chiếm 48,9%.

Đồ án thể hiện không gian, kiến trúc cảnh quan KCN Bình Hòa - Bình Phước chia thành khu vực phát triển công nghiệp, khu dân cư (KDC) hiện hữu chỉnh trang, khu dự trữ phát triển, khu nông - lâm nghiệp. Đối với khu vực phát triển công nghiệp, sẽ có các KCN Bình Hòa - Bình Phước I và Bình Hòa - Bình Phước II, tập trung phát triển công nghiệp nhẹ, đa ngành và công nghiệp công nghệ cao; tổ chức hành lang xanh cách ly xung quanh KCN đối với khu vực tiếp giáp KDC. Các trục chính đi vào KCN được bố trí kết hợp với các công trình thương mại, dịch vụ và cảnh quan công viên cây xanh xung quanh các hồ nước hiện hữu.

KDC hiện hữu chỉnh trang gồm khu trung tâm và các cụm dân cư xã Bình Phước, KDC xã Bình Hòa ở phía Đông Nam ranh giới quy hoạch. Theo đó, khu trung tâm và các cụm dân cư xã Bình Phước sẽ được nâng cấp, cải tạo và mở rộng UBND xã, chợ xã, nhà văn hóa; quy hoạch mới trường mầm non, công viên cây xanh, bãi đỗ xe. Khu dân cư xã Bình Hòa sẽ quy hoạch mới các công trình trường học, công viên cây xanh, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, công trình dịch vụ công cộng, nhằm hình thành khu ở mới, kết nối với khu ở hiện hữu và các khu công nghiệp lân cận.

Khu dự trữ phát triển sẽ bố trí tại khu vực núi Phố Tinh để dự trữ cho nhu cầu phát triển trong tương lai. Đối với quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sẽ chỉnh tim tuyến và cao độ của hệ thống giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước theo hướng thuận lợi và hiệu quả cho việc triển khai dự án đầu tư xây dựng. Điều này không làm thay đổi định hướng phát triển không gian và các định hướng hạ tầng kỹ thuật khác của khu vực đã có trong quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất. Đối với giải pháp bảo vệ môi trường, sẽ kiểm soát ô nhiễm tổng thể từ nước ngầm, nước mặt, xả thải... đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững.

Tại Khu kinh tế Dung Quất, khảo sát tiềm năng về điện gió rất dồi dào (ảnh minh họa)

Tại Khu kinh tế Dung Quất, khảo sát tiềm năng về điện gió rất dồi dào (ảnh minh họa)

Theo Đề án Phát triển hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất thời gian tới, vốn ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật như các tuyến đường trục chính để hình thành bộ khung giao thông chính và hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp nước và phòng cháy, chữa cháy... Về hạ tầng xã hội, ưu tiên xây dựng vườn hoa cây xanh, khu thể dục thể thao theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, tăng cường quản lý quy hoạch theo đồ án được duyệt đảm bảo phát triển KCN Bình Hòa - Bình Phước đúng định hướng.

Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch 5/11 phân khu Khu kinh tế Dung Quất.

Khu kinh tế Dung Quất hoạt động được 19 năm và đã thu hút được 199 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 354 nghìn tỷ đồng (16,455 tỷ USD), trong đó có nhiều dự án lớn, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Có thể kể đến Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina... Đây cũng là khu vực mang lại nguồn thu ngân sách chủ lực cho Quảng Ngãi. Theo thống kê của UBND Tỉnh, trong 4 năm (2021 - 2024), tổng thu ngân sách của Tỉnh đạt khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 77 nghìn tỷ đồng; riêng số thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 47 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp trên đất liền, Khu kinh tế Dung Quất còn có tiềm năng và dư địa phát triển lớn ở vùng gần bờ và ngoài khơi, nhất là phát triển điện gió. Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (còn gọi là Quy hoạch điện VIII, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023), khu vực này có Dự án Nhà máy điện gió xung quanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đăng ký đầu tư. Dự án có công suất khoảng 50 MW, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 16,8 ha; thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025 - 2027. Đi trước, đón đầu nhu cầu phát triển điện gió, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã và đang nghiên cứu sản xuất chân đế, trụ gió phục vụ nhà đầu tư khi phát triển điện gió ở vùng biển Dung Quất.

Chuyên đề