Phác thảo cầu Cửa Đại vượt sông Trà Khúc. |
Cụ thể, về phương án thiết kế, nhịp chính có kết cấu là cầu dầm cáp hỗn hợp Extradosed (dạng tháp thấp) với 5 trụ tháp; cầu dẫn với kết cấu nhịp dầm Super T; cầu gồm 36 nhịp, bề rộng cầu 25m, 4 làn xe cơ giới.
Bên cạnh yêu cầu tính toán một cách khoa học để bố trí mố, trụ cầu sao cho không làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở hai bên bờ sông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý phương án này đòi hỏi phải đảm bảo an toàn tĩnh không và khổ thông thuyền.
Chưa hết, thiết kế kết cấu hạng các mục công trình liên quan phải phù hợp với điều kiện vùng ven biển; tránh ảnh hưởng đến việc đầu tư hệ kè hai bên bờ sông, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy.
Đối với thiết kế kiến trúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo cần nghiên cứu phương án hợp lý, kết hợp hài hòa với cảnh quan khu vực, nhằm biến cầu Cửa Đại trở thành một dấu ấn đặc biệt về kiến trúc và mỹ quan cho tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án này có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ đồng là vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2017 – 2020, 750 tỷ đồng còn lại là vốn từ ngân sách tỉnh và vốn khai thác quỹ đất.
Hiện phương án tài chính đối với phần vốn khai thác quỹ đất dọc 2 bên bờ sông Trà Khúc và các vị trí thuận lợi về khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn thực hiện dự án đang trong giai đoạn tính toán.
Phương án tài chính này UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chủ trì, phải hoàn thành trước ngày 22/2/2017 để UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Lâu nay, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh và xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi chỉ cách nhau hơn 2km đường chim bay, nhưng do ngăn cách bởi sông Trà Khúc, nên muốn qua lại phải đi vòng gần 20km qua cầu Trà Khúc II.
Dự kiến đến năm 2020 khi việc xây dựng cầu Cửa Đại hoàn thành, sẽ chấm dứt việc “cách trở đò giang” từ xưa đến nay.