Quản lý hợp đồng sau đấu thầu còn lỏng lẻo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết luận của cơ quan thanh tra, phản ánh của đơn vị sử dụng cũng như tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, thực trạng chất lượng, xuất xứ của hàng hóa sau trúng thầu là một vấn đề nhức nhối. Để kiểm soát chất lượng, bảo đảm nhà thầu cung cấp hàng hóa đúng xuất xứ, dịch vụ bảo hành bảo trì theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, cần siết chặt hơn trách nhiệm của nhà thầu lẫn chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Thực trạng chất lượng, xuất xứ của hàng hóa sau trúng thầu là một vấn đề nhức nhối. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Thực trạng chất lượng, xuất xứ của hàng hóa sau trúng thầu là một vấn đề nhức nhối. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo kết luận của Thanh tra TP. Cần Thơ, việc thực hiện công tác mua sắm thiết bị tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cần Thơ tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là các gói thầu liên quan đến Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC. Theo đó, Sở GD&ĐT Cần Thơ thanh quyết toán chủ yếu dựa trên hợp đồng ký kết với đơn vị trúng thầu là Công ty AIC và dựa trên bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, biên bản nghiệm thu...

Tuy nhiên, trong quá trình thanh toán, Chủ đầu tư không phát hiện những sai sót như cung cấp thiết bị không đúng nguồn gốc, xuất xứ; thiếu văn bản của Nhà thầu trình Chủ đầu tư đề nghị chấp thuận việc thay đổi thiết bị.

Đơn cử Gói thầu Thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ, đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị loa gắn bảng tương tác của hệ thống âm thanh, ký mã hiệu, nhãn mác sản phẩm ASB-40, có nguồn gốc, xuất xứ China (Trung Quốc), với số lượng 13 cái. Tại Gói thầu Thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ các cấp học năm 2016, đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị loa gắn bảng tương tác ASB-40, số lượng 16 cái và thiết bị kiểm tra đánh giá dùng cho học sinh, số lượng 45 cái, có nguồn gốc, xuất xứ China (Trung Quốc). Tại Gói thầu Thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ cấp tiểu học năm 2016, đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị loa gắn bảng tương tác, số lượng 3 cái và thiết bị kiểm tra đánh giá dùng cho học sinh, số lượng 70 cái, có nguồn gốc, xuất xứ China (Trung Quốc). Số thiết bị này đều không đúng với nguồn gốc, xuất xứ Singapore như hợp đồng đã ký.

Theo Thanh tra TP. Cần Thơ, các hạn chế nêu trên cho thấy, việc quản lý đầu tư mua sắm của Sở GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan là chưa chặt chẽ. Ngoài ra, trong công tác thực hiện giám sát, nghiệm thu các gói thầu, chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan còn hạn chế, thiếu kiểm tra trong việc tiếp nhận, nghiệm thu thiết bị để đưa vào sử dụng, dẫn đến một số gói thầu có thiết bị nghiệm thu không đúng nguồn gốc, xuất xứ như đã nêu.

Tại TP.HCM, công tác mua sắm hàng hóa tập trung cũng phát sinh nhiều bất cập sau trúng thầu. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đơn vị trúng thầu năm 2018 đã bàn giao cho Sở 4 máy vi tính để bàn theo thỏa thuận khung. Do quá trình lắp đặt chậm, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, khâu dịch vụ bảo trì, sửa chữa chậm nên sản phẩm chưa đạt chất lượng để tiến hành thủ tục nghiệm thu thanh toán. Thông tin đến Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị thụ hưởng/sử dụng thiết bị trên địa bàn TP.HCM cũng phàn nàn về chất lượng sản phẩm, đặc biệt chính sách bảo hành, khắc phục sự cố sau trúng thầu rất kém, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nghiệp vụ.

Tại ĐồngTháp, kết luận của Thanh tra Tỉnh đã cho thấy hàng loạt bất cập do nhà thầu chưa thực hiện đúng cam kết sau khi ký hợp đồng. Qua kiểm tra ngẫu nhiên tại các gói thầu do Trung tâm Dịch vụ tài chính (thuộc Sở Tài chính) làm bên mời thầu, số thiết bị hư hỏng và hoạt động kém chiếm tỷ lệ 27,2%. Một số thiết bị như máy in có chất lượng kém, in mờ, kẹt giấy, hoạt động chậm, đèn chiếu mờ… Đồng thời, công tác bảo trì định kỳ theo hợp đồng là 3 tháng/lần không được nhà thầu trúng thầu tuân thủ.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, công tác mua sắm hàng hóa phát sinh các bất cập nói trên là do trách nhiệm thực thi quy định đấu thầu, tuân thủ hợp đồng của nhà thầu chưa cao, nhưng lại chưa bị xử lý nghiêm. “Hồ sơ mời thầu đều có những yêu cầu chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ, chính sách bảo hành, bảo trì từ phía nhà thầu. Bên cạnh đó, trong hợp đồng có những điều khoản phạt liên quan đến không tuân thủ cam kết của nhà thầu. Trách nhiệm thực thi của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều được nêu rõ trong suốt quá trình lựa chọn nhà thầu nhằm bảo đảm sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Do đó, để chấn chỉnh tình trạng này, cần mạnh tay chấm dứt hợp đồng, phạt, thậm chí đề xuất cấm thầu đối với nhà thầu có hành vi không tuân thủ, gây nên những hệ lụy xấu cho công tác đấu thầu”, chuyên gia đấu thầu đề xuất.

Chuyên đề