PTIC: Tiền sẽ về đâu?

(BĐT) - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC – mã chứng khoán PTC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 với khoản lỗ sau thuế cả năm gần 11 tỷ đồng, phần dành cho cổ đông công ty mẹ âm 5 tỷ đồng.
Sau kiểm toán, PTIC phải trích lập thêm 10,3 tỷ đồng công nợ phải thu khó đòi
Sau kiểm toán, PTIC phải trích lập thêm 10,3 tỷ đồng công nợ phải thu khó đòi

Kết quả này khác xa với con số mà Công ty công bố tại báo cáo tài chính tự lập (lần lượt đạt 9 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng).

Lỗ do đâu?

Với kết quả báo cáo tài chính vừa được công bố, có thể nói, PTC lại tiếp tục lỡ hẹn với kế hoạch kinh doanh mà ĐHCĐ thường niên 2015 đề ra. Tháng 6/2015, ĐHCĐ thường niên 2015 của PTIC đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 21,8 tỷ đồng, tăng so với mức thực hiện vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng vào năm 2014.

Một điểm khác biệt của PTC năm 2015 so với trước đó là việc công ty này thâu tóm CTCP Xi măng Sông Đà Yaly (mã chứng khoán SDY) và sở hữu 63,25% vốn điều lệ SDY. Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của SDY đã khiến PTC “ăn quả đắng”.

Sau kiểm toán, SDY phải trích lập thêm 10,3 tỷ đồng công nợ phải thu khó đòi, hạch toán 8,2 tỷ đồng do Công ty cung cấp vật tư, thành phẩm cho công trình Thủy điện Xekaman 1 theo đơn giá công trình năm 2012 trong khi giá mua đầu vào theo đơn giá thực tế. Chưa hết, SDY cũng buộc phải bổ sung gần 1,3 tỷ đồng chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản sau kiểm toán. Quyết định thâu tóm SDY của PTC có vẻ như không hoàn toàn đúng đắn.

Được biết, PTC đưa ra quyết định này khi vừa tạm vượt qua khủng hoảng thiếu hụt dòng tiền, thiếu việc làm năm 2012 (năm lỗ kỷ lục 56,5 tỷ đồng). Theo tính toán, số tiền mà PTC bỏ ra gom cổ phiếu SDY là trên 20 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp vừa qua vòng xoáy khủng hoảng, dòng tiền còn thiếu trước hụt sau, đây quả là một động thái chịu chi ít ai theo kịp.

Việc thâu tóm SDY khiến các cổ đông của PTC tương đối bất ngờ. Cuối tháng 8, ĐHCĐ bất thường của SDY thông qua việc PTC được phép mua chi phối cổ phiếu SDY không qua chào mua công khai. Trước đó 2 tháng, ĐHCĐ thường niên của PTC không hề nhắc đến kế hoạch này.

Chưa nói đến tiềm năng phát triển về lâu dài của SDY, việc thâu tóm công ty này đã ngay lập tức khiến PTC gánh chịu hậu quả là khoản lỗ năm 2015 như đã nói ở trên.

Bán tài sản có trở thành điểm sáng dòng tiền 2016?

Không công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, căn cứ báo cáo được đăng tải trên website Công ty, PTC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ tài sản gắn liền với đất thuê tại khu đất làm văn phòng của Công ty tại thôn Pháp Vân, Hoàng Liệt, Hà Nội với giá 72,5 tỷ đồng. Với PTC, đây là dòng tiền đáng kể có thể giúp Công ty vực dậy kết quả kinh doanh trong thời gian tới.

PTC vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 và kế hoạch kinh doanh trình ĐHCĐ thường niên 2016. Với 72,5 tỷ đồng thu được từ việc chuyển nhượng tài sản, PTC cần một kế hoạch “tiêu pha” cẩn trọng. Khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng vào SDY nửa cuối năm vừa qua là một bài học không thể xem nhẹ.
Thực tế, kế hoạch chuyển nhượng nói trên đã được ĐHCĐ thường niên 2015 thông qua từ hồi tháng 6/2015. Tuy nhiên, việc bán tài sản đã không được thực hiện trong năm, mà phải đến đầu năm 2016, kế hoạch mới được triển khai.

Theo kế hoạch đó, nếu việc chuyển nhượng thành công theo đúng mức giá dự kiến (72,5 tỷ đồng), PTC sẽ ghi nhận thêm 50 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, về mặt tài chính, khoản lợi nhuận này sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh quý 1 năm nay.

Không chỉ mang lại lợi nhuận, việc chuyển nhượng văn phòng giúp PTC ngay lập tức có thể ghi nhận lập tức 72,5 tỷ đồng dòng tiền đầu tư. Số dư tiền cuối năm 2015 của PTC chỉ ở mức 21 tỷ đồng sau khi chi đậm gần 140 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm. Tất nhiên, việc ghi nhận dòng tiền chỉ có thể được thực hiện khi đối tác chính thức… trả tiền mà không ghi nhận các khoản phải thu.

Chưa công bố tên đối tác nhận chuyển nhượng, tuy nhiên theo kế hoạch, có thể dự đoán CTCP Đầu tư Phát triển ngành nước và môi trường - công ty đang thực hiện hợp tác kinh doanh một phần diện tích khu đất với PTC – đã chi đậm để sở hữu khu đất này. Cuối năm 2015, bên đối tác đã đặt cọc 43,5 tỷ đồng cho thương vụ này, ghi nhận ở khoản mục ký quỹ, ký cược ngắn hạn.

Tại thời điểm cuối năm 2015, PTC có khoản phải thu khách hàng ngắn hạn 222 tỷ đồng, tăng hơn 91 tỷ đồng so với số dư đầu năm – chủ yếu là phải thu khách hàng thương mại (79 tỷ đồng) và khách hàng xây lắp (127 tỷ đồng). Trong khi đó, trong năm 2015, doanh thu bán hàng và doanh thu xây lắp của PTC chỉ ở mức 11,5 tỷ đồng và 146,2 tỷ đồng. Quản lý các khoản phải thu rõ ràng là một mắt xích yếu của PTC. Ách tắc về dòng tiền từ trước đến nay của Công ty, một phần cũng đến từ nguyên nhân này.

Hiện tại, PTC vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 và kế hoạch kinh doanh trình ĐHCĐ thường niên 2016. Với 72,5 tỷ đồng thu được từ việc chuyển nhượng tài sản, PTC cần một kế hoạch “tiêu pha” cẩn trọng. Khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng vào SDY nửa cuối năm vừa qua là một bài học không thể xem nhẹ.

Chuyên đề