Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Nhỏ và manh mún
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Khắc Hiền, thời gian qua, đối với đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu dựa vào nguồn vốn của… hộ gia đình. Bình quân mỗi hộ ở nông thôn chỉ có 17 triệu đồng tích lũy, còn hộ nông nghiệp chỉ có 12,5 triệu đồng tích luỹ, tương đương khoảng 600 - 800 USD/hộ/năm. Tích lũy thấp nên nông dân khó đầu tư máy móc thiết bị, cải thiện hạ tầng, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách tài chính đối với nông nghiệp nông thôn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Viết Lợi cho biết, trong khi tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp bình quân trên 17%, nhưng tổng vốn đầu tư cho ngành này đang giảm dần về tỷ trọng trong tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thừa nhận, dù đã có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước như các quy định về đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong NNNT, nhưng việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển NNNT chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành.
Đáng quan ngại, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức PPP mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.
Gỡ những điểm nghẽn
PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi, chỉ chiếm khoảng 1% số doanh nghiệp của cả nước. Từ đó, phải đặt ra câu hỏi, tại sao doanh nghiệp chưa đầu tư nguồn lực nhiều cho nông nghiệp?
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào NNTT nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội và của các thành phần kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu. Không ít nhà quản lý, chuyên gia gợi ý, cần chú trọng đến hình thức PPP.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNN cho biết, cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là trong nông nghiệp; thúc đẩy áp dụng PPP trong sản xuất và xây dựng hạ tầng NNNT, chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.
PGS.TS. Hoàng Văn Hải cho rằng, phải đẩy mạnh áp dụng PPP trong các dự án cung cấp dịch vụ công nông thôn và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, cần xem xét xây dựng cơ chế để người dân địa phương đóng góp vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp.
Từ phía các doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco Nguyễn Huy Văn đánh giá cao các chuỗi liên kết giữa các bên. Trong đó có liên kết của 4 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học thông qua cung ứng vật tư và chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, để PPP thực sự là động lực giúp ngành nông nghiệp phát triển, cần cân bằng lợi ích giữa các bên. Nhất là khi doanh nghiệp tư nhân đang có xu hướng tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại...
Dù sao, PPP vẫn được coi là đáp áp đúng để giải bài toán thu hút đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời, sẽ giúp gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế thu hút đầu tư, tạo ra cho nông nghiệp Việt Nam diện mạo mới.