Các dự án PPP được triển khai khắp cả nước trong những năm qua đã góp phần nhất định cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng của nước ta, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế |
Đến nay, hơn 1,6 triệu tỷ đồng từ khu vực tư nhân đã được huy động, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.
Huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân
Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (NQ 13) đã xác định “thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…”.
Thực hiện NQ 13, tại các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đều nhấn mạnh việc thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nhiều bộ, ngành, địa phương, kể từ khi ban hành NQ 13, việc thu hút vốn tư nhân theo phương thức PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.
* Nguồn: Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ Đơn vị tính (tỷ đồng)
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - một trong những địa phương tiên phong trong thu hút vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng - cho biết, từ năm 2013 đến 2018, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn Tỉnh khoảng 47 nghìn tỷ đồng với tổng số 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng), chiếm 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được từ 8 đến 9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, nhiều công trình trọng điểm đầu tư theo phương thức PPP đã hoàn thành và phát huy được hiệu quả sau đầu tư như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… Đây là một trong những động lực quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
UBND TP.HCM cũng đánh giá các dự án thực hiện theo phương thức PPP đã mang lại hiệu quả, tác động tích cực, lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế Thành phố. Một nguồn lực rất lớn từ khu vực tư nhân đã góp phần giúp Thành phố giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ngân sách Thành phố còn hạn chế, nâng cao tiện ích, đời sống người dân như giảm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Các dự án PPP được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng; một số kỹ thuật mới trong thiết kế thi công xây dựng, các kinh nghiệm tiên tiến trong quản lý điều hành dự án cũng được áp dụng.
Còn theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hàng nghìn km Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp; nhiều công trình lớn như cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu, cầu Việt Trì, cầu Yên Lệnh, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Hải Vân… đã được đưa vào sử dụng. Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi có NQ 13, ngành điện đã thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các dự án BOT cung cấp điện có quy mô rất lớn với sự tham gia của cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đến nay có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, thông qua đó, huy động được khoảng 1,609 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Các dự án PPP được triển khai khắp cả nước trong những năm qua đã góp phần nhất định cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng của nước ta, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì năm 2017, chất lượng kết cấu hạ tầng tổng thể của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 79, tăng 2 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 81), tăng 16 bậc so với năm 2012 (xếp thứ 95), tăng 44 bậc so với năm 2010 (xếp thứ 123).
Khung pháp lý về PPP dần được hoàn thiện
Tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức PPP bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi để từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư PPP được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Luật Đấu thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nghị định này đã quy định chi tiết, chặt chẽ về trình tự chuẩn bị dự án (lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi); quy định chặt chẽ về công khai thông tin dự án, trong đó nhấn mạnh công tác tham vấn ý kiến cộng đồng (thông qua một số tổ chức, nhóm đối tượng chịu tác động) trong giai đoạn chuẩn bị dự án và việc công khai thông tin cơ bản của hợp đồng sau khi ký kết; quy định hạn chế các trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư (được khắc phục từ Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP). Đối với dự án BT, bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn như chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau bước thiết kế và dự toán để bảo đảm giá trị công trình BT được chính xác nhất, quỹ đất dự kiến thanh toán phải được lập quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có) trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi...
Tại Đối thoại cấp kỹ thuật lần thứ nhất trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác phát triển về PPP diễn ra ngày 29/9/2018, nhiều nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia quốc tế về PPP đều thống nhất quan điểm quy định điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư PPP bao gồm quy trình, thủ tục chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư PPP đã đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các quy định về hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư như cơ chế vốn nhà nước cho dự án PPP, cơ chế bảo đảm, chia sẻ rủi ro… còn nằm rải rác ở nhiều luật và có vướng mắc dẫn tới chưa thu hút được nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP hiện còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước (đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP), Luật Đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Doanh nghiệp (hoạt động của doanh nghiệp dự án), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán), Luật Quản lý nợ công, Luật Đất đai… Nội dung tại các luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP.
Việc nâng cấp quy định về PPP từ Nghị định lên cấp Luật là một bước tiếp theo, đặc biệt quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý về PPP tại Việt Nam. Qua đó, giải quyết được những vướng mắc hiện tại do chồng chéo giữa các luật, đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng quốc gia trong thời gian tới.