Bảo lãnh rủi ro là yếu tố cần thiết để góp phần thu hút tư nhân tham gia dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Thực tiễn triển khai các dự án PPP thời gian qua cho thấy, do chưa đáp ứng được đòi hỏi này, nên chất lượng, số lượng dự án PPP bị hạn chế, không được như kỳ vọng và vấp phải những phản ứng tiêu cực từ xã hội.
Hạn chế của các chủ thể tham gia dự án PPP
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quá trình thương thảo và thực hiện một hợp đồng PPP rất phức tạp, trong khi chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia thì lại hạn chế, trong thực hiện còn có nhiều lúng túng. Ngay ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vẫn có những bộ phận, chủ thể chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong quá trình triển khai dự án. Các nhà đầu tư PPP hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, chưa am hiểu sâu về đầu tư theo hình thức PPP, chưa xem xét, lượng hóa rủi ro, hạn chế về kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành khai thác công trình. Tình trạng nhà thầu “khoác áo” nhà đầu tư trong nhiều dự án BOT ngành GTVT thời gian qua là minh chứng điển hình nhất cho thực trạng này.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng cho dự án PPP vay vốn thời gian qua có thể vì áp lực tăng trưởng tín dụng mà chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về rủi ro, chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát cấp phát vốn, giải ngân, thanh toán và quản lý kinh doanh.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả thực hiện PPP thời gian qua bị hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là thiếu quyết tâm chính trị và đồng thuận của các cấp trong triển khai PPP. Định hướng tạo mọi điều kiện và nguồn lực để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân đã được nêu rõ trong các văn kiện, nghị quyết và văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các chủ trương định hướng chưa được cụ thể hóa bằng hành động trong quá trình lựa chọn dự án tốt, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công và nhân sự phù hợp để triển khai. Ngay cả đối với những dự án đã được Chính phủ xác định là dự án PPP tiên phong thì sự ủng hộ, đồng thuận, quyết tâm của các bộ, ngành để cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho dự án vẫn còn hạn chế. Điển hình là dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau hơn 7 năm hình thành hiện vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến, hoàn thiện cơ chế cho dự án.
Cần những giải pháp toàn diện
Theo đó, giải pháp thúc đẩy chương trình PPP đầu tiên được Bộ KH&ĐT đưa ra là tháo gỡ các quy định vướng mắc tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP trên tinh thần kiên định với chủ trương cạnh tranh và hội nhập. Sau 2 - 3 năm tổng kết làm cơ sở nâng cấp quy định pháp luật, xây dựng Luật về PPP nhằm tạo ra hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý, thực hiện hình thức đầu tư PPP.
Một giải pháp quan trọng khác mà Bộ KH&ĐT đề xuất là cần bố trí nguồn lực tài chính và sử dụng các công cụ bảo đảm đầu tư. Chính phủ cần quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm “đối ứng” cho các dự án PPP. Việc nghiên cứu và sử dụng các công cụ tài chính, công cụ bảo đảm, bảo lãnh rủi ro cho các dự án PPP là yếu tố cần thiết để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ cần xem xét, cho phép lựa chọn một số dự án PPP tiềm năng, có tính lan tỏa được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, trong đó có việc xem xét huy động vốn ODA cho một số dự án, thực hiện chuẩn bị và lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành. Cùng với đó phải khơi thông nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP (khơi thông việc giải ngân nguồn vốn này), đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực về PPP cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và truyền thông về PPP.