Nhằm ứng phó với những tác động từ dịch bệnh, PNJ đã tăng gấp 4 lần dự trữ tiền mặt và đang thực hiện các biện pháp gia tăng thanh khoản. Ảnh: Song Ngọc |
Theo kết quả kinh doanh sơ lược mới được PNJ công bố, doanh nghiệp kết thúc quý I/2020 với doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giúp biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 21,7%.
Tuy nhiên, so với quý I/2019, biên lợi nhuận của PNJ trong quý I/2020 đã giảm nhẹ 0,2% do tỷ trọng doanh thu vàng miếng có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tăng lên, chiếm 24,1% trong tổng doanh thu.
Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (SSSG) của PNJ vẫn duy trì tăng trưởng dương trong tháng 1 và tháng 2, nhưng đã đảo chiều tăng trưởng âm trong tháng 3. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hạn chế các hoạt động mua sắm và do chính sách cách ly xã hội, PNJ phải đóng 85% cửa hàng, bao gồm tất cả các cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Theo SSI Research, doanh thu các cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 52 - 55% doanh thu của PNJ. Trong những ngày cuối tháng 3, ngay sau khi thực thi quy định cách ly xã hội, doanh thu của PNJ đã giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù doanh thu bán hàng online trong quý I/2020 tăng trưởng tới 173% so với quý I/2019, riêng trong tháng 3 tăng 164%, song vẫn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu.
Vì vậy sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của PNJ ước đạt 411 tỷ đồng, giảm 4%. So với kế hoạch kinh doanh năm 2020, doanh nghiệp đã hoàn thành 26% chỉ tiêu doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng bán lẻ nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, SSI Research cho biết, ban lãnh đạo PNJ nhiều khả năng sẽ điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Nhằm ứng phó với những tác động từ dịch bệnh, PNJ đã tăng gấp 4 lần dự trữ tiền mặt và đang thực hiện các biện pháp gia tăng thanh khoản như ngừng nhập hàng, đàm phán với các ngân hàng để tái cơ cấu khoản nợ sang kỳ hạn dài hơn và giảm lãi suất, hoãn đầu tư mới…
Liên quan đến thu nhập của người lao động, ban lãnh đạo PNJ sẽ tình nguyện cắt giảm 50% thu nhập, còn các nhân viên khác sẽ nghỉ phép không lương 2 ngày/tuần và sử dụng các ngày nghỉ này cho việc đào tạo.
Các nhà máy vẫn duy trì hoạt động, nhưng khối lượng công việc giảm đáng kể. Trong suốt cả năm 2019 đến đầu năm 2020, nhà máy thường vận hành 2 ca mỗi ngày do nhu cầu cao, song hiện tại nhà máy chỉ làm 1 ca mỗi ngày và tiến hành giãn ca.
Ngoài ra, PNJ đã thương lượng với khoảng 40% chủ mặt bằng để giảm tiền thuê. Mức giảm nằm trong khoảng 15% đến 100%.
Chia sẻ về triển vọng kinh doanh năm 2020 và 2021 của PNJ, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, dịch Covid-19 có thể tác động xấu đến doanh thu trong ngắn hạn của doanh nghiệp do nhu cầu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu sụt giảm vì lo ngại dịch bệnh.
Đồng thời, VNDirect cũng hạ dự báo kết quả kinh doanh năm 2020 của PNJ. Theo đó, VNDirect hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 của PNJ lần lượt 3,9% và 9,4% so với dự báo cũ; trong đó, điều chỉnh giảm doanh thu của chai phân khúc bán lẻ và bán buôn lần lượt 6,6% và 7,4%.
Liên quan đến sự cố xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), nơi ông Trần Phương Bình, chồng bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, từng giữ vị trí Tổng giám đốc, cá nhân bà Dung từng nhiều lần khẳng định trước cổ đông việc PNJ không liên quan đến hoạt động, sai phạm của DongA Bank.
Tại thời điểm 31/12/2019, PNJ vẫn ghi nhận 395 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào DongA Bank và đã trích lập hoàn toàn cho khoản này. Do DongABank vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước nên cổ phiếu không được phép chuyển nhượng.