PNC “nhóm lửa” trước thềm đại hội cổ đông

(BĐT) - Sáng nay, Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) chính thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016. Trên sàn chứng khoán, PNC nổi danh với những cuộc họp căng thẳng. Trên thương trường, PNC được biết đến với vai trò là liên doanh với CJ, một công ty Hàn Quốc sở hữu 30 cụm rạp chiếu phim CGV trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam. PNC cũng sở hữu Phương Nam Phim, được biết đến với bộ phim “đốt cháy” phòng chiếu năm qua: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
 
Cổ phiếu của Công ty CP Văn hóa Phương Nam bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 16/6/2016. Ảnh: Ngô Ngọc Anh
Cổ phiếu của Công ty CP Văn hóa Phương Nam bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 16/6/2016. Ảnh: Ngô Ngọc Anh

Những tranh cãi âm ỉ

Khác với sự nổi danh trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cổ phiếu PNC của Công ty hiện đang bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) tạm ngừng giao dịch từ ngày 16/6 do thường xuyên vi phạm công bố thông tin. Đến 20/6/2016, PNC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2015.

Mọi chuyện xảy ra tương đối dễ hiểu. Năm 2015, trong ĐHCĐ thường niên tổ chức vào tháng 7, phần lớn cổ đông đã không thông qua tờ trình về lựa chọn công ty kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2015. Đến tháng 10/2015, PNC mới tổ chức ĐHCĐ bất thường và quyết định chọn đơn vị kiểm toán và đến cuối tháng 10/2015, hợp đồng kiểm toán mới được ký kết. Dĩ nhiên báo cáo bán niên 2015 của PNC trễ hẹn. Báo cáo hợp nhất 2015 cũng chung số phận.

Cổ phiếu PNC cũng trải qua nhiều thăng trầm khi đến năm 2014, Công ty suýt bị hủy niêm yết do lỗ 2 năm liên tiếp. Năm 2014, theo thông tin từ phía PNC, nhờ khoản hỗ trợ từ phía đối tác CJ thông qua hợp đồng dịch vụ trị giá 600.000 USD, Công ty đã thoát lỗ. Một công ty có tiếng trong lĩnh vực văn hóa (sách, phim, ca nhạc…) có vẻ kinh doanh cũng khá chật vật.

Cho đến khi tài liệu ĐHCĐ thường niên 2016 được công bố, kết quả kinh doanh hợp nhất chưa kiểm toán năm 2015 của PNC vẫn lỗ 813 triệu đồng. Nhóm cổ đông mâu thuẫn lâu nay với HĐQT PNC lại có thêm một lý do để phản đối HĐQT.

Một trong những nguyên nhân của các cuộc tranh cãi là khoản góp vốn liên doanh của PNC với Envoy Media Partner Limited, chủ sở hữu của cụm rạp Megastar. Ban đầu PNC đóng góp 20% trong liên doanh Megastar, tương đương 800.000 USD. Năm 2006, Megastar tăng vốn lên gấp đôi, đòi hỏi PNC phải góp thêm 800.000 USD để giữ nguyên tỷ lệ vốn góp. Megastar kinh doanh lĩnh vực đặc thù, vì vậy cần tỷ lệ “nội địa” tối thiểu cần 20%. Do tình hình tài chính eo hẹp, PNC không thể có số tiền nói trên để tham gia cuộc chơi. Envoy ý thức được tiềm năng của Megastar, đã đứng ra “mua” quyền góp vốn của PNC với giá 400.000 USD, và trực tiếp đóng tiền vào trên danh nghĩa của PNC. Trên danh nghĩa, PNC vẫn nắm giữ 20% vốn Megastar, dù số vốn góp thực tế  chỉ là 10%.

Sau này Megastar được Envoy bán cho Tập đoàn CJ với mức giá 73,6 triệu USD và đổi tên cụm rạp thành CGV. Từ khi góp vốn đến nay, PNC chưa một lần nhận được cổ tức từ Megastar và bây giờ là CGV. Phần vốn góp của PNC tại CGV được ví von như một hòm vàng nhưng… mất chìa khóa!

Thông tin bất ngờ

Do ĐHCĐ thường niên 2015 của PNC đã không thông qua kế hoạch kinh doanh 2015, không có cơ sở để đánh giá tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm của Công ty. So với năm 2014, lợi nhuận của PNC tăng trưởng 63%.
Ngày 28/6/2016, PNC bất ngờ công bố báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2015 với kết quả lãi 3,9 tỷ đồng thay vì lỗ 813 triệu đồng trước kiểm toán.

Có 2 khoản mục đáng chú ý: Thứ nhất, lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh giảm 17 tỷ đồng từ mức 6,1 tỷ đồng xuống âm 10,9 tỷ đồng. Thứ hai, khoản thu nhập khác tăng 21 tỷ đồng, từ mức 6,8 tỷ đồng lên 27,8 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Kế toán trưởng PNC cho biết, những điều chỉnh nói trên đều liên quan đến vốn góp trong liên doanh CGV. Theo đó, kiểm toán công nhận từ 23/11/2015, tỷ lệ sở hữu chính thức của PNC tại CGV là 20% thay vì 10%. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu này, kiểm toán ghi nhận khoản lợi thế thương mại tăng thêm lên tới 21,7 tỷ đồng, được ghi nhận vào phần Thu nhập khác, giúp Lợi nhuận khác tăng 21 tỷ đồng như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, cũng chính vì việc bác bỏ tỷ lệ sở hữu 20% của PNC trong cả năm 2015 như báo cáo Công ty tự lập (chỉ chấp nhận PNC sở hữu 10% CGV từ 1/1 đến 22/11/2015, tăng lên  20% từ 23/11/2015 trở đi), kiểm toán đồng thời loại bỏ tổng cộng 17 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết ra khỏi báo cáo của PNC.

Kết hợp 2 điều chỉnh lớn nói trên, kết quả kinh doanh của PNC đã thực sự xoay chiều. Tuy nhiên, do ĐHCĐ thường niên 2015 của PNC đã không thông qua kế hoạch kinh doanh 2015, không có cơ sở để đánh giá tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm của Công ty. So với năm 2014, lợi nhuận của PNC tăng trưởng 63%.

Tuy nhiên, rất có thể kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của PNC trong năm vừa qua, cùng với chấp nhận của đơn vị kiểm toán về tỷ lệ 20% sở hữu của PNC trong liên doanh vẫn chưa đủ để nhóm cổ đông chống đối Công ty hài lòng. Năm 2015, chính nhóm cổ đông này thậm chí không tin tưởng kết quả kiểm toán của PNC năm 2014 (là năm PNC có lãi) và cho rằng Công ty giấu lỗ. Cũng nhóm cổ đông này cho rằng PNC làm mất vốn khi giảm tỷ lệ sở hữu tại CGV từ mức 20% xuống còn 10%.

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán của PNC năm 2015 còn có ý kiến ngoại trừ về việc ghi nhận chi phí quản lý phát sinh 3 tỷ đồng trong năm. Nếu ghi nhận như ý kiến kiểm toán, lợi nhuận sẽ giảm xuống một khoản tương đương, tuy nhiên, PNC vẫn lãi gần 1 tỷ đồng.

Chuyên đề