PMI giảm kỷ lục, Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Những số liệu mới làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà hoạch định chính sách đang gặp phải.
PMI giảm kỷ lục, Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Điều này làm tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tung thêm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh TTCK đã bước vào thị trường giá xuống lần thứ 2 kể từ tháng 6 tới nay và đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất 5 năm. 

Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (1/2), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm xuống còn 49,4 điểm trong tháng 1, thấp nhất 4 năm và cũng thấp hơn mức ước tính 49,6 điểm được các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. 

Các chỉ số phụ như số đơn hàng xuất khẩu và nhập khẩu cũng sụt giảm so với 1 tháng trước. 

Chỉ số PMI của khu vực dịch vụ cũng sụt giảm trong tháng 1. Hoạt động sản xuất của khu vực tư nhân sụt giảm tháng thứ 11 liên tiếp. 

Là chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của một nền kinh tế, chỉ số PMI được tính toán từ khảo sát thực hiện trên các giám đốc mua hàng của hàng trăm công ty. Chỉ số cao hơn mốc 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất được mở rộng, trong khi dưới mức 50 điểm là hoạt động sản xuất bị thu hẹp. 

Với 6 tháng liên tiếp ở dưới 50 điểm, đây là chuỗi dài nhất kể từ năm 2005, khi số liệu bắt đầu được thống kê. 

Những số liệu mới làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà hoạch định chính sách đang gặp phải. Trung Quốc có thể bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ để ngăn đà suy giảm của nền kinh tế nhưng điều này sẽ tăng thêm áp lực cho đồng nhân dân tệ và khiến dòng vốn tháo chạy. Tháng 1 vừa qua chứng khoán Trung Quốc đã giảm sâu nhất kể từ 2008. 

Phiên sáng nay chỉ số Shanghai Composite giảm 1,8%, xuống còn 2.688,87 điểm, nâng tổng số điểm giảm từ đầu năm đến nay lên 24%. 

Chuyên đề