Diamond Lotus Riverside, dự án xanh theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ hiếm hoi tại TP.HCM (Ảnh Dự án) |
Vì sao Phúc Khang lại có ý tưởng đưa những dự án bất động sản của mình đi theo hướng công trình xanh, thưa bà?
Trước khi xác định chiến lược đi theo công trình xanh, Ban lãnh đạo Phúc Khang đã có những chuyến nghiên cứu ở các nước như Singapore, Nhật Bản. Tôi nghĩ, các nước phát triển làm được thì mình cũng làm được. Ngoài đội ngũ chuyên gia là các tiến sĩ về công trình xanh đã được đào tạo từ nước ngoài, chúng tôi còn thuê hẳn những chuyên gia về phát triển công trình xanh của Mỹ và Hồng Kông làm việc cho mình.
Ở Phúc Khang, khi làm công trình xanh, chúng tôi xác định đây là một tổ chức học tập. Vì vậy, nhân sự của chúng tôi đều được đi học về công trình xanh, từ khâu quản lý cho đến vận hành. Khi tạo ra một tổ chức học tập như vậy thì cũng có nghĩa là chúng tôi đã tự đào tạo lẫn nhau. Và đó chính là cách chúng tôi làm công trình xanh một cách tốt nhất. Tức phải tự cạnh tranh với mình chứ không phải cạnh tranh với ai đó. Chúng tôi tin sự lựa chọn này là đúng đắn và sẽ thành công.
Làm công trình xanh chi phí ban đầu rất cao. Nếu chúng ta không tập hợp được lực lượng từ khâu thiết kế, thi công, vận hành đến cả khâu marketing và kinh doanh thì rất nguy hiểm. Do đó, Phúc Khang chọn cách làm việc nhóm để cùng nhau truyền thông, giúp nhau cùng làm việc. Khi chúng tôi ngồi với các cố vấn, các phòng ban cũng tham dự để cùng nghe một thông điệp, nghĩ giải pháp và cùng tìm một phương án, từ đó tạo ra sự cải tiến tốt cho sản phẩm. Với doanh nghiệp, suy cho cùng cách giảm chi phí tốt nhất là tiết kiệm thời gian.
Làm công trình xanh đòi hỏi phải chú tâm đến nguồn nguyên vật liệu. Vì vậy, phải nghiêm túc với nhà cung cấp bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn đối với họ. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn thì sẵn sàng nói không. Chúng tôi cũng tiết kiệm bằng cách làm nhiều sản phẩm cho một dòng sản phẩm. Bạn làm một căn nhà xanh khác với làm 1.000 căn nhà xanh, làm 1.000 căn nhà xanh khác với 10.000 căn nhà xanh. Chúng tôi không tăng giá, mà sẽ tăng lợi nhuận thông qua các giải pháp tiết kiệm cộng với các bí quyết cải tiến sản phẩm. Tầm nhìn của Phúc Khang là làm công trình xanh nhưng giá cả phù hợp.
Thị trường phản hồi như thế nào về các sản phẩm của Phúc Khang và trong tương lai, Phúc Khang có kiên định với lối đi này không?
Sự đón nhận của thị trường đối với dòng sản phẩm này rất khả quan. Thay vì quảng cáo, chúng tôi dùng những bài viết thực sự về công trình xanh để tiếp cận thị trường, khách hàng. Phúc Khang không PR sản phẩm của mình là cao cấp, mà là công trình xanh chính phẩm: từ khâu thiết kế, thi công, đến vận hành.
Hiện tại Phúc Khang đang có hai công trình xanh theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (LEED), đó là Diamond Lotus Riverside và Diamond Lotus Lakeview. Sắp tới chúng tôi sẽ có 3 công trình xanh nữa ở các địa điểm mới sẽ được công bố trong năm mới. Mục tiêu của Phúc Khang trong 5 năm tới là sẽ có khoảng 10.000 căn hộ xanh, tức mỗi một năm sẽ có 2.000 căn hộ xanh được đưa ra thị trường.
Theo bà, để việc đầu tư công trình xanh được nhân rộng, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ nào từ Chính phủ?
Theo tôi, Chính phủ cần có sự khuyến khích đối với những nhà đầu tư công trình xanh. Hiện Phúc Khang đang làm một cách tự nguyện, không nhận được bất cứ hỗ trợ gì về chính sách. Đây cũng là một thử thách lớn của chúng tôi. Với kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản xanh đầu tiên, tôi cho rằng, chính quyền địa phương cũng như Chính phủ cần có ưu đãi về lãi suất, có chỉ số quy hoạch tốt hơn, hoặc có những quy trình duyệt về công trình xanh nhanh hơn, giúp chúng tôi tiết kiệm vốn để đầu tư nhanh hơn nhằm có nhiều công trình xanh hơn.