Phục hồi kinh tế: Còn dư địa tài khóa nhưng không còn dư địa thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam còn dư địa tài khóa để thực hiện các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, tuy nhiên, không còn dư địa thời gian. Vì thế, cần triển khai thực thi nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, tạo thêm xung lực cho kinh tế phục hồi, phát triển.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ kích thích mạnh tiêu dùng và thị trường trong nước, tạo thành trụ đỡ quan trọng cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ kích thích mạnh tiêu dùng và thị trường trong nước, tạo thành trụ đỡ quan trọng cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Cần thực thi nhanh, hiệu quả, tránh trục lợi

Tại một diễn đàn kinh tế vừa được tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đưa ra Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy là thể hiện Quốc hội rất khẩn trương. Chính phủ cũng cần sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng trong tháng 1 này có thể ban hành. Tinh thần khẩn trương quyết liệt này từ nay trở đi cần duy trì liên tục. Bên cạnh đó, trong phạm vi thẩm quyền, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý kinh tế bộ, ngành tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả Chương trình.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng chỉ ra rủi ro lỡ nhịp khi tăng trưởng kinh tế âm sâu từ quý III, phục hồi trong quý IV nhưng còn chậm. Việt Nam có dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ nhưng không có dư địa thời gian, và vì thế phải bắt kịp thời gian để cố gắng vượt lên. Ông Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý rủi ro lệch hướng của dòng tiền, cần tránh cho vay dưới chuẩn; rủi ro trục lợi chính sách, phải bảo đảm minh bạch, có trách nhiệm giải trình, nâng cao trách nhiệm công chức, doanh nghiệp, đây là điểm đen cần khắc phục.

Theo ông Lộc, ba trụ cột bảo đảm sự thành công của công cuộc phục hồi kinh tế là phải có doanh nghiệp kiên cường, chính sách phải kịp thời, quan chức phải dấn thân.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh các yếu tố: quản trị thay đổi, thích ứng, chủ động vượt qua dịch bệnh; dựa trên các cơ chế, chính sách đã có, phải làm sao thực thi hiệu quả, bắt tay vào làm ngay; không được quên phối hợp các chương trình, kế hoạch mà chúng ta đã và đang làm, nhất là về thể chế.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đối với những nghị quyết đã ban hành năm 2020, 2021, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiền cho người lao động. Năm 2022, doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất tới chính sách hỗ trợ lãi suất và thuế VAT, những hỗ trợ rất thiết thực, tiếp theo là miễn, giảm các loại thuế, phí và rất mong muốn các chính sách được thực thi sớm.

Doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, hiệu quả chính sách sẽ nâng lên

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, với gói hỗ trợ này, gần như tất cả người dân và phần đông doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Các chính sách hỗ trợ sẽ kích thích mạnh tiêu dùng và thị trường trong nước sẽ là trụ đỡ quan trọng cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ lãi suất nếu giải ngân được trọn vẹn sẽ là yếu tố lan tỏa mạnh cho nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách được ban hành nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Tất cả hiệu quả chương trình sẽ nâng lên nếu doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Theo ông Hiếu, các chính sách sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến doanh nghiệp. Trực tiếp là những doanh nghiệp cụ thể được hỗ trợ giảm lãi suất, VAT hay hỗ trợ cho người lao động tại một số khu kinh tế lớn để thuê nhà… Tác động gián tiếp và lớn hơn là tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. “Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp này chứ không nên chỉ quan tâm mình có được hỗ trợ trực tiếp hay không”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Khuyến nghị với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, dịch bệnh khó lường, ông Vũ Tiến Lộc dùng hình ảnh “hãy tập khiêu vũ dưới mưa để tiếp tục hành trình trong bão” vì không có cách nào khác. Trong hành trình của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp là lực lượng chủ công, là trái tim của nền kinh tế. Vì thế, không chỉ cần tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn để không lỡ nhịp với thế giới, mà quan trọng là có thể chế kinh tế, diện mạo của doanh nghiệp chất lượng hơn.

Chuyên đề