Phục hồi 17 ha rừng tràm ở Láng Sen: Các doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Khoảng 340.000 cây tràm sẽ được trồng lại tại 17 ha rừng đặc dụng Láng Sen giai đoạn 2022-2024 để bổ sung số cây bị chết, phục hồi đa dạng sinh học. Đây là hoạt động thuộc “Dự án trồng rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen”.

Theo kế hoạch, ba tháng đầu năm 2023, IUCN sẽ hoàn thành thủ tục với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Long An. Nếu được sự chấp thuận của tỉnh, việc phục hồi sẽ được tiến hành với việc dọn thực bì, đào mương; những tháng cuối năm sẽ trồng cây; năm 2024 dọn cỏ, phòng cháy chữa cháy, cắt tỉa cây yếu và trồng bổ sung số cây bị hao hụt.

Phục hồi 17 ha rừng tràm ở Láng Sen: Các doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường ảnh 1

Khu vực dự kiến trồng tràm trong khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

Dự án trồng rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen do Công ty CP Tập đoàn PAN và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tài trợ, là một hoạt động thuộc ngân hàng ý tưởng của Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E). VB4E do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên Môi trường và Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK) đồng sáng lập từ năm 2020.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là một khu bảo tồn thiên nhiên ở "Đồng Tháp Mười" của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm đồng cỏ ngập nước theo mùa, rừng đầm lầy lộ thiên, rừng tràm ven sông và rừng hỗn giao. Vùng đất ngập nước này hỗ trợ mẫu rừng ven sông tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài chim nước và cá. Phục hồi rừng là một chiến lược quan trọng về mặt sinh thái đối với khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước vì đây là nơi sinh sống của nhiều nhóm động vật hoang dã, chim nước và các loài thủy sinh quý hiếm.

Tại tiểu khu 11 của khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng hiện tại rừng tràm bị suy giảm và cần được phục hồi.

Dự án phục hồi rừng tại Láng Sen nhằm mục đích tăng độ che phủ của rừng tràm, tạo sinh cảnh cho các loài chim nước, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản, hỗ trợ kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An về kế hoạch trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Ngoài tạo hệ sinh thái ngập lũ cho các loài động thực vật hoang dã có nơi trú ngụ, việc trồng cây tràm còn giúp bảo vệ đất phèn không bị chuyển hóa, ngăn cản sự chua hóa lớp đất mặt, trữ nước ngọt. Rừng tràm cũng có tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường sống cho con người như hạn chế gió bão, lốc.

Dự án trồng rừng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kế hoạch trồng rừng của tỉnh, cũng như thúc đẩy đa dạng sinh học ở khu bảo tồn.

Phục hồi 17 ha rừng tràm ở Láng Sen: Các doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường ảnh 2

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen được thành lập theo Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 19/01/2004 của UBND tỉnh Long An, chịu trách nhiệm quản lý 1.971 ha là vùng lõi của đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, trên địa phận của 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A - huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Đây là một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều loại hình thái địa mạo đã tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng đa dạng, phong phú: đầm lầy, đồng cỏ ngập theo mùa, rừng tràm, đai rừng ven sông, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã.

Dự án trồng rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là một trong số các hoạt động đáng chú ý thuộc ngân hàng ý tưởng của Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E). Những năm qua, VB4E đã có nhiều hoạt động kết nối hiệu quả các doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia bảo tồn, bảo vệ môi trường. Ngân hàng ý tưởng VB4E tập trung vào các chủ đề nóng trên thế giới hiện nay như: quản lý rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo, khôi phục cảnh quan rừng, bảo tồn nước và đất ngập nước, bảo tồn cảnh quan biển và ven biển, biến đổi khí hậu,…

Chuyên đề