Phú Thọ trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 21/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tận dụng tiềm năng để phát triển

Đánh giá về lợi thế, tiềm năng của Tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Vị trí ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh – tuyến hành lang đã hoàn thiện về hạ tầng kết nối và phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực miền Bắc đã tạo cho Phú Thọ nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Phú Thọ thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; nông nghiệp chưa được chú trọng theo hướng gia tăng về chất lượng và giá trị; dịch vụ, nhất là du lịch chưa tạo được sản phẩm đặc trưng, khác biệt, gắn với các tour du lịch; nguồn nhân lực với trình độ, năng suất lao động thấp; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp (19%) và chưa đạt mức trung bình cả nước; tài nguyên và dư địa không gian phát triển còn nhiều nhưng chưa phát huy hết. Do đó, những điểm hạn chế trên cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong bài toán quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chủ trì Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chủ trì Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ của Bộ Chính trị; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông) và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Phú Thọ xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ.

Về quá trình xây dựng hồ sơ Quy hoạch tỉnh Phú Thọ, Thứ trưởng đánh giá cao sự hoàn thiện của bản Quy hoạch, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tỉnh trong suốt quá trình lập, qua nhiều lần lấy ý kiến; sự nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện bản Quy hoạch theo quy định. Qua đây thể hiện sự quan tâm, cầu thị của Tỉnh đối với công tác quy hoạch.

Một trung tâm - Hai trục - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Phú Thọ có cơ hội bứt phá phát triển trong thời gian tới, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiến tới đứng trong nhóm 15 - 20 địa phương phát triển nhất trong cả nước, Tỉnh rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết một số vấn đề trọng tâm như hạ tầng giao thông, y tế, du lịch...

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang. Ảnh: Đức Trung

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang. Ảnh: Đức Trung

Theo dự thảo Quy hoạch, quan điểm phát triển của tỉnh Phú Thọ trong thời kỳ 2021 - 2030 là đặt Phú Thọ trong quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra hiệu ứng tốt cho việc phát triển kinh tế của Tỉnh, để Phú Thọ đảm nhận được vai trò trung tâm và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc. Trong đó, Phú Thọ đặt trọng tâm trở thành: Trung tâm thương mại và logistic gắn với trung tâm chế biến nông, lâm sản; Trung tâm văn hóa - du lịch; Trung tâm khám chữa bệnh; Trung tâm đào tạo của 5 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ xác định 4 ưu tiên phát triển: Một trung tâm (Đô thị trung tâm thành phố Việt Trì); Hai trục (2 Hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây); Ba đột phá phát triển; Bốn nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Một trung tâm – xây dựng Đô thị Việt Trì mở rộng là đô thị loại I, trung tâm quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trọng tâm là phát huy vai trò Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đô thị Việt Trì sẽ mở rộng không gian phát triển, hướng tới quy mô dân số đạt 45 - 50 vạn vào năm 2030. Xung quanh đô thị trung tâm Việt Trì là các đô thị vệ tinh, trong đó quan trọng nhất là đô thị Phú Thọ (công nghiệp, dịch vụ) và đô thị Thanh Thủy (du lịch); ngoài ra các đô thị như Lâm Thao, Hùng Sơn, Phong Châu, Hưng Hóa cũng là những vệ tinh quan trọng, hỗ trợ một số chức năng cho đô thị Việt Trì.

Hai trục (hành lang) kinh tế gồm: Trục Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Quốc lộ 2D hiện hữu; Trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội (Ba Vì), một phần tuyến Quốc lộ 2 (đoạn thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng) và một phần tuyến Quốc lộ 32 (đoạn từ xã Vạn Xuân đến cầu Trung Hà).

Đối với Ba đột phá phát triển, thứ nhất là tập trung cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương. Tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển hài hòa các thành phần kinh tế. Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành ưu tiên trọng tâm. Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm là các lĩnh vực kết cấu hạ tầng then chốt (giao thông, năng lượng, thông tin,...), hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, công trình quan trọng có tính chất liên kết vùng. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, đồng bộ hạ tầng thông tin của Tỉnh với quốc gia, vùng để tạo nền tảng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của Tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo phương châm chính quyền địa phương là người đi đầu dẫn dắt, kiến tạo chuyển đổi số tại địa phương.

Với Bốn nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh đặt mục tiêu: Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở 4 lĩnh vực (theo thứ tự ưu tiên: du lịch; y tế; giáo dục; thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản); Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; Làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài Tỉnh./.

Chuyên đề