Ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện Phú Thọ có 7 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch các KCN tại Việt Nam với tổng diện tích 2.256 ha, trong đó có 4 KCN đã và đang được xây dựng hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trên 70%. Bên cạnh các KCN do Nhà nước đầu tư, Phú Thọ đã thu hút được 2 nhà đầu tư tư nhân xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phú Hà và KCN Cẩm Khê với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.208 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, có 183 dự án thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 1.006 triệu USD, 97 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 16.403 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu (từ năm 1997 - 2001), Phú Thọ chỉ có một số dự án của doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2002 trở đi, các KCN tại Phú Thọ bắt đầu thu hút các dự án FDI, trong đó tập trung vào ngành nghề dệt may, bao bì, vải bạt, vật liệu xây dựng. Từ năm 2015 đến nay, do chính sách thu hút dự án vào các KCN của tỉnh Phú Thọ có sự thay đổi: về quy mô vốn đầu tư, yêu cầu công nghệ, bảo vệ môi trường, nộp ngân sách nhà nước… nên quy mô, chất lượng dự án đầu tư đã tăng lên. Đã có nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao lựa chọn các KCN Phú Thọ làm điểm đến góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, thúc đẩy ngành công nghiệp của Tỉnh phát triển mạnh mẽ. Đến nay có 2 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; 22 doanh nghiệp chế xuất; hàng loạt doanh nghiệp nằm trong tốp các doanh nghiệp đóng nộp ngân sách nhà nước cao trong Tỉnh.
Hàng năm, các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho địa phương. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nộp thuế lớn như: Công ty CP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (chiếm 90% số nộp của khu vực doanh nghiệp nhà nước ở địa phương); khối doanh nghiệp FDI chiếm trên 90% nguồn thu doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như Công ty TNHH Công nghệ Namuaga Phú Thọ, Công ty TNHH Almus Vina, Công ty TNHH Paldo Vina,... Một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp thuế lớn như: Công ty CP CMC, Công ty CP Gạch men Tasa, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1...
Bên cạnh đó, các KCN phát triển còn góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động và người dân địa phương.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây, giá trị doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách địa phương của các doanh nghiệp KCN luôn tăng trưởng ấn tượng hai con số. Năm 2019, doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2010, nộp ngân sách nhà nước đạt 1.550 tỷ đồng, gấp 8 lần năm 2010, xuất khẩu đạt 1.700 tỷ đồng, gấp 8 lần năm 2010; tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN luôn chiếm 70 - 80% tổng giá trị xuất khẩu của địa phương... Tổng số lao động hiện có trong các doanh nghiệp KCN là 43.500 người, với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, các KCN của tỉnh Phú Thọ đã tạo ra không gian kinh tế, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh mẽ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ cho biết, ưu thế của tỉnh Phú Thọ trong thu hút đầu tư vào các KCN là có vị trí giao thông thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng miền núi phía Bắc, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 50 km và tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố có môi trường đầu tư, hoạt động kinh tế sôi động như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang. Là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc), nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, những năm qua, Phú Thọ đã trở thành cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng. Hiện Phú Thọ có 7 khu công nghiệp, 25 cụm công nghiệp đã và đang được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với lợi thế vị trí địa lý kết nối thuận lợi với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Theo ông Oanh, trong những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, các thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng thường xuyên lắng nghe, quan tâm giúp đỡ, giải quyết triệt để những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án và sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Phú Thọ còn có chính sách hỗ trợ đầu tư về đất đai, hạ tầng và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện nước tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, đường giao thông đến ngoài hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Tỉnh cũng đã có những chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ sở ưu tiên các dự án nằm trong danh mục các lĩnh vực sản xuất đặc thù.
Phú Thọ đã và đang thu hút được thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước quan tâm, nghiên cứu đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn, tiêu biểu như Vingroup, Mường Thanh, Sun Group, FLC, Tập đoàn Trung Nam... Kết quả này có được cho thấy nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội, điều kiện cho nhà đầu tư có môi trường đầu tư, hoạt động kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn.