Phòng ngừa rủi ro phát sinh trong hợp đồng PPP năng lượng và hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cấu trúc hợp đồng của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là một là một mạng lưới hợp đồng liên quan lẫn nhau và có ràng buộc quan hệ pháp lý giữa các bên. Do có nhiều loại hình hợp đồng khác nhau như vậy, nên có thể có nhiều loại tranh chấp. Vì vậy, việc nhận diện được các rủi ro phát sinh trong các giao dịch PPP để thiết kế các biện pháp phòng ngừa và xử lý tranh chấp trong quy định pháp luật và trong thỏa thuận hợp đồng là rất cần thiết.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Để nhận diện rõ hơn tranh chấp phát sinh và cơ chế giải quyết trên thực tế về dự án PPP, tại Hội thảo Phòng ngừa và Giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 26/11, ông Đoàn Tiến Giang - chuyên gia quốc tế về PPP của USAID đã lấy ví dụ điển hình về tranh chấp phát sinh từ sự hiểu sai về việc xác định “năm cơ sở” để xác định lưu lượng giao thông trong hợp đồng Dự án đường cao tốc thu phí Ontario 407 (Canada).

Theo đó, nhà đầu tư cho rằng họ được phép tăng phí đường bộ khi đạt được mức lưu lượng giao thông trên ngưỡng lưu lượng sàn. Nếu mức lưu lượng giao thông rơi vào dưới ngưỡng sàn và phí đường bộ cao hơn mức phí sàn thì sẽ áp dụng mức phạt. Ngưỡng sàn lưu lượng giao thông được tính dựa trên lưu lượng giao thông của một “năm cơ sở”. Trong khi đó, Chính quyền Ontario cáo buộc nhà đầu tư vi phạm hợp đồng và yêu cầu phải hủy bỏ “năm cơ sở” này. Vụ tranh chấp phải mất tới 2 năm mới giải quyết được.

Nguyên nhân của vụ việc này, theo đánh giá của ông Giang, là do hợp đồng quy định điều kiện mở và phụ thuộc vào cách diễn giải; thiếu các điều khoản trao quyền kiểm soát hợp lý cho chính quyền về mức tăng phí đường bộ, trao hoàn toàn quyền trong vấn đề này cho bên tư nhân.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong vô vàn rủi ro dẫn đến phát sinh tranh chấp trong dự án PPP. Theo Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Luật Vietthink, rủi ro trong dự án PPP xuất phát từ bên trong và cả bên ngoài.

Rủi ro bên trong là rủi ro phát sinh trong quá trình phát triển dự án (mặt bằng, thiết kế…), hoàn thành dự án (đội chi phí, chậm tiến độ, không đảm bảo tiêu chí hoạt động…), vận hành dự án (đội chi phí, chậm hoặc gián đoạn hoạt động, chất lượng dịch vụ thấp, rủi ro doanh thu do thay đổi về thuế…), điều phối dự án. Còn rủi ro bên ngoài là những rủi ro về chính sách, pháp luật, bất khả kháng (quản lý/chính trị, thay đổi luật pháp, can thiệp chính trị), kinh tế tài chính (lãi suất tăng, lạm phát, tỷ giá, dịch vụ tín dụng).

Theo ông Giang, dự án PPP có cấu trúc hợp đồng rất phức tạp, là một mạng lưới hợp đồng liên quan lẫn nhau và có ràng buộc quan hệ pháp lý giữa các bên. Các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính, nhà đầu tư tài chính (quỹ đầu tư) cùng lập nên một công ty dự án (ký hợp đồng với các cổ đông) ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thỏa thuận vay.

Ngoài 3 thỏa thuận quan trọng này, còn có thỏa thuận với đơn vị mua dịch vụ, các công ty cung ứng công ích là người sử dụng (người điều khiển phương tiện giao thông, công ty cấp nước…); thỏa thuận với các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho dự án, có ràng buộc pháp lý… Do có nhiều loại hình hợp đồng khác nhau như vậy, nên có thể có nhiều loại tranh chấp.

Thông thường, tranh chấp phát sinh trong vòng 10 năm đầu tiên (năm đầu là 4,2%, năm thứ tư chiếm 15% - bắt đầu đi vào vận hành, năm thứ 10 chiếm 30% - sau khi đạt được thỏa thuận tài chính).

Nguồn: Nghiên cứu của Trung tâm Hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Hub, trực thuộc quản lý của Nhóm các nền kinh tế lớn G20) trên phạm vi toàn cầu
Nguồn: Nghiên cứu của Trung tâm Hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Hub, trực thuộc quản lý của Nhóm các nền kinh tế lớn G20) trên phạm vi toàn cầu

“Để tránh nảy sinh các rủi ro tranh chấp, nhiều quốc gia đã hạn chế việc đàm phán lại hợp đồng. Các điều khoản trong hợp đồng phải quy định càng rõ ràng càng tốt, phân định rủi ro, cơ chế điều chỉnh giá cả, quyền và nghĩa vụ…”, ông Giang lưu ý.

Một khi đã xảy ra tranh chấp, theo chuyên gia của USAID, có 5 cơ chế giải quyết tranh chấp phổ biến, gồm: hòa giải, nhận định của chuyên gia, ban giải quyết tranh chấp, trọng tài, tố tụng tòa án.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông thường, dự án PPP triển khai ở nước nào thì phải sử dụng luật điều chỉnh của nước đó. Nếu Việt Nam chưa có đủ quy định về giải quyết tranh chấp thì cho phép được lựa chọn quy định tại hợp đồng. Tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP trong nước được giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dự án PPP nước ngoài được giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Do một hợp đồng PPP có nhiều mối quan hệ đan xen như vậy, nên theo bà Vũ Quỳnh Lê, cần có sự chung tay, góp sức, tập trung cao độ của các bên liên quan để góp ý xây dựng sớm cụ thể hóa mẫu hợp đồng trong từng lĩnh vực, trong đó tiên lượng các rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh để có cơ chế, biện pháp phòng ngừa. Cùng là lĩnh vực giao thông nhưng rủi ro trong lĩnh vực đường sắt khác với hàng không, đường bộ… Mẫu hóa hợp đồng PPP sẽ tăng tính công khai minh bạch, chặt chẽ, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện và giúp các bên liên quan, nhất là tổ chức góp vốn (ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính…) yên tâm đầu tư lâu dài.

Chuyên đề