Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong năm 2021 có nhiều đơn vị trên địa bàn Thành phố không nộp báo cáo công tác đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Đề cập đến tồn tại, hạn chế của công tác đấu thầu năm 2021, nhiều Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thẳng thắn nhìn nhận, nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc trong việc báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu.
Sở KH&ĐT Bắc Kạn cho biết, công tác báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu đã được các chủ đầu tư quan tâm nhưng chất lượng một số báo cáo chưa cao, chưa đầy đủ nội dung yêu cầu về số liệu và chưa đảm bảo về mặt thời gian theo yêu cầu. Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh nêu rõ “chất lượng báo cáo của một số đơn vị còn sơ sài, số liệu còn sai sót, chưa đầy đủ, mẫu biểu tổng hợp không đúng theo quy định, mặc dù Sở KH&ĐT đã có văn bản đôn đốc thực hiện tuy nhiên thời hạn gửi báo cáo của một số đơn vị còn chưa đảm bảo. Đa số các đơn vị chỉ tổng hợp báo cáo đối với gói thầu xây lắp, thiết bị, chưa đánh giá được tình hình công tác quản lý trong đấu thầu của ngành, của địa phương, chưa đi sâu vào nội dung theo yêu cầu”.
Các địa phương như Hải Dương, Lai Châu, Nam Định, Quảng Ngãi, Gia Lai… đều còn tồn tại tình trạng chậm trễ gửi báo cáo tình hình đấu thầu, chất lượng báo cáo không đáp ứng, dẫn tới khó khăn cho cơ quan tổng hợp về công tác đấu thầu.
Nguyên nhân được các Sở KH&ĐT chỉ ra là chủ đầu tư chưa nghiêm túc trong công tác thực hiện báo cáo, cán bộ làm công tác theo dõi, báo cáo thường xuyên thay đổi…
Đặc biệt, tại một số địa phương, tình trạng không gửi báo cáo đấu thầu vẫn diễn ra. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM, trong năm 2021 có nhiều đơn vị không nộp báo cáo công tác đấu thầu như: Bộ tư lệnh TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không gửi báo cáo về đấu thầu qua mạng. Có thể kể đến các sở: Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Y tế, Tài chính…
Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc không gửi báo cáo công tác đấu thầu dẫn tới nhiều bất cập, hệ lụy. Địa phương sẽ không có số liệu đầy đủ, chính xác để tổng hợp, phản ánh đúng hoạt động trên địa bàn, từ đó nhìn nhận những tồn tại, đưa ra giải pháp. Ngoài ra còn gây ra những khoảng trống thông tin, đặc biệt là liên quan đến các chủ đầu tư có hành vi gây khó khăn cho nhà thầu dự thầu, kiến nghị của nhà thầu. Hiện đã có quy định về chế tài xử lý các đơn vị không gửi báo cáo công tác đấu thầu, nhưng do tâm lý nể nang nên gần như chưa đơn vị nào bị xử phạt, răn đe đúng mực, dẫn tới kỷ cương lỏng lẻo.
Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, được các Sở KH&ĐT thẳng thắn đề cập trong các báo cáo hàng năm. Tại Bình Dương các năm trước có hàng chục đơn vị không nộp báo cáo công tác đấu thầu như: UBND thị xã Bến Cát, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Công an Tỉnh, Liên đoàn lao động Tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Báo Bình Dương, Sở Xây dựng và Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore.
Tại Trà Vinh, trong năm 2020, toàn Tỉnh có 21 đơn vị không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo nhưng không bảo đảm yêu cầu về thời hạn và nội dung. Trong đó có 15 đơn vị không gửi báo cáo, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nội vụ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã; UBND các huyện, thị xã: Càng Long; Châu Thành; Tiểu Cần; Trà Cú; Duyên Hải…Trong khi đó, tại Bình Phước, trong năm 2020 có 4 đơn vị không gửi báo cáo gồm: Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế; Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh và UBND huyện Bù Đăng.
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, nhiều Sở KH&ĐT đề xuất cần có biện pháp chế tài cụ thể đối với các đơn vị không thực hiện báo cáo hoạt động đấu thầu theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT. Bên cạnh đó, các Sở KH&ĐT cần tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo; phê bình và cắt quyền chủ đầu tư đối với các đơn vị nhiều lần không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo.