Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
“Điệp khúc” chỉ định thầu
Theo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hội đồng quản trị của Công ty đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 - Giai đoạn 2 Dự án tại Quyết định số 97/QĐ-PVCG ngày 10/4/2015; phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 và bổ sung Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 2 - Giai đoạn 2 Dự án tại Quyết định số 08/QĐ-PVCG-HĐQT ngày 25/10/2015; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 3 - Giai đoạn 2 Dự án tại Quyết định số 62/QĐ-PVCG-HĐQT ngày 25/2/2016 và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 4 - Giai đoạn 2 Dự án tại Quyết định số 70/QĐ-PVCG-HHĐQT ngày 11/3/2016.
Điểm qua các kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Dự án BOT PV-CG có thể thấy, hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến với hàng loạt gói thầu giá trị rất lớn. Theo nội dung phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 và bổ sung Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 2 - Giai đoạn 2 của Dự án (gồm 2 phần), có 28/30 gói thầu áp dụng chỉ định thầu, 2 gói tự thực hiện. Tổng giá trị 30 gói thầu này lên đến hơn 2.423 tỷ đồng.
Theo đó, Phần công việc thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 - Giai đoạn 2 điều chỉnh, có 6/6 gói thầu được chỉ định thầu. Tổng giá trị của các gói thầu này là trên 46 tỷ đồng.
Phần công việc thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 2 - Giai đoạn 2 có tổng cộng 24 gói thầu với tổng giá trị trên 2.377 tỷ đồng, trong đó hầu hết áp dụng chỉ định thầu. Cụ thể, có 4 gói thầu tư vấn với tổng giá trị trên 23,9 tỷ đồng áp dụng chỉ định thầu; trong 12 gói thầu xây lắp với tổng trị giá trên 2.343 tỷ đồng có 10 gói áp dụng chỉ định thầu và 2 gói tự thực hiện. 8 gói thầu bảo hiểm có tổng giá trị trên 10,3 tỷ đồng cũng được chỉ định thầu.
Dấu hỏi về công khai, minh bạch
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia PPP cho rằng, ở nước ta, các nhà đầu tư PPP giai đoạn đầu thực hiện các dự án PPP chủ yếu là “từ nhà thầu trở thành nhà đầu tư”. Và vì chưa quen với vai trò nhà đầu tư nên trong quá trình tính toán cứ chăm chăm tính chi phí ban đầu để xây dựng công trình, mà chưa chú trọng khâu quản lý, duy tu, bảo dưỡng... sau khi thi công công trình. Và với các dự án PPP, để bảo đảm hài hòa lợi ích 3 bên giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Người dân, việc công khai, minh bạch thông tin là rất cần thiết.
Thêm vào đó, có ý kiến còn cho rằng, phải công khai, minh bạch thông tin cho người dân, vì họ là đối tượng trả phí cho nhà đầu tư và phải minh bạch thông tin để tăng tính giám sát đối với dự án.
Khi còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng cũng từng yêu cầu phải công khai toàn bộ tổng mức đầu tư và chi phí các dự án BOT, các dự án BOT sau khi đưa vào sử dụng 6 tháng phải quyết toán và ký hợp đồng chính thức thời gian thu phí thì mới được thu phí. Yêu cầu đó của ông Thăng đã được đưa ra tại một cuộc họp về công tác thanh tra, kiểm toán đối với các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án BOT khác diễn ra cuối năm 2015.
Dự án BOT PV-CG được rất nhiều người quan tâm, song dường như có rất ít thông tin được công bố. Câu chuyện BOT mới đây lại nóng lên khi những bất đồng trong nội bộ nhà đầu tư lên cao và thông tin về Dự án BOT PV-CG bắt đầu “lộ” dần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những thông tin được công khai vẫn thuộc dạng “nhỏ giọt” so với những gì được dư luận quan tâm. Nhiều khoảng trống thông tin vẫn chưa được “vén màn”.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.