Phép thử sức mạnh dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đang gây nên những khó khăn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nền hòa bình của Việt Nam. Sau khi đi qua giai đoạn đầu của đại dịch, Việt Nam đang bình tĩnh và quyết liệt đối diện với giai đoạn hai diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có thể thấy đại dịch là một phép thử lớn đối với bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của dân tộc.
Phép thử sức mạnh dân tộc

Thật khó hình dung những căng thẳng, lo lắng, bất an phải trải qua trong năm 2020 này khi đối diện với đại dịch Covid-19. Trên toàn cầu, gần 25 triệu người đã nhiễm bệnh, gần 1 triệu người chết... Những cường quốc dẫn đầu văn minh nhân loại tưởng sẽ bất khả phạm, mà lập tức sa xuống “thảm họa”. Hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới. Các nguồn ngân sách khổng lồ được tung ra để ứng cứu. Nhiều phương án, có khi rất khác nhau, đối lập với nhau, được áp dụng để đối phó, ngăn chặn…

Ở Việt Nam, hàng loạt sự kiện lần đầu tiên xảy ra: đã có những xã ở nông thôn, những con phố ở Hà Nội, ở Đà Nẵng, những bệnh viện lớn bị cách ly; học sinh, sinh viên nghỉ học dài; đóng cửa đường bay quốc tế, hành khách quốc tế đến Việt Nam phải cách ly; nhiều khu cách ly tập trung được lập ra, nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng… Đây là những chuyện đời người chưa từng chứng kiến, ngay cả trong tưởng tượng.

Đại dịch gây nên những lo âu trĩu nặng trên phạm vi toàn thế giới. Con người dễ rơi vào hai thái cực: Một là chủ quan, làm gì có thể đến mức ấy, hai là hoang mang như đối diện với tận thế.

Khẩu lệnh “Chống dịch như chống giặc” được phát đi từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành ý chí quốc gia. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng động viên tinh thần và đoàn kết toàn dân, toàn quân thành một khối lớn lao để đương đầu với đại dịch. Không súng nổ, bom rơi, nhưng ý chí, tinh thần của người Việt Nam giống như trong một cuộc chiến đấu thực sự mang ý nghĩa sinh tử của đất nước.

Việt Nam đã từng bước khống chế, đẩy lùi đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng và chống. Người dân đoàn kết cùng tuân thủ các chỉ đạo để chung sức, đồng lòng chống dịch. Không chủ quan, không hoang mang mà bình tĩnh và sáng tạo đi qua đại dịch là tâm thế chung của người Việt Nam.

Các tổ chức, cơ quan truyền thông lớn và có uy tín toàn cầu đã đánh giá rất cao Việt Nam trong cách vượt qua đại dịch. Việt Nam đứng vào tốp đầu các quốc gia ngăn chặn hiệu quả tác động nguy hại của đại dịch. Chính phủ Việt Nam cũng ở trong tốp đầu các chính phủ được toàn dân tin tưởng.

Cao điểm của đại dịch giai đoạn đầu diễn ra vào đúng tháng 4, thời điểm kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước. Còn hiện nay, cao điểm của giai đoạn hai diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Trong nguy nan, người Việt lại siết chặt khối đại đoàn kết. Với dân số đông, trình độ phát triển chưa cao, điều kiện y tế chưa tốt, lại ở vị trí ngay sát trung tâm bùng phát dịch, vậy mà Việt Nam lại là một trong những quốc gia hạn chế được đến mức thấp nhất tác động nguy hiểm của đại dịch.

Trong đại dịch lịch sử, Việt Nam trở thành một biểu tượng mới của thống nhất và đoàn kết. Chính phủ quan tâm đến số phận và sự an nguy của từng người dân, tận tụy và ứng biến kịp thời. Người dân thống nhất một lòng, đặt niềm tin vào Chính phủ. Cả đất nước cùng chung một tinh thần đoàn kết, một phong trào chia sẻ, tương thân, tương ái. Cả đất nước thống nhất tuân thủ những chính sách và chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đã được ban hành. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã có những quyết định chia sẻ, hỗ trợ thiết thực với đối tác, các địa phương để hạn chế thiệt hại. Các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ sĩ… đã nhanh chóng có những đóng góp lớn và kịp thời cho công cuộc chống dịch.

Nhiều nhà lãnh đạo đã nói đến việc bình tĩnh, tỉnh táo, bản lĩnh để có tầm nhìn vượt qua đại dịch mà thấy những cơ hội mới trong thời gian tới. Trong lúc còn đang căng mình đối phó, không chủ quan, rất bình tĩnh, Việt Nam đang chuẩn bị đón đợi những nguồn ánh sáng mới sau đại dịch.

Chúng ta kỷ niệm 75 năm lập nước bằng tư thế chiến thắng đại dịch như một biểu tượng mới về thống nhất và đoàn kết toàn dân. Đây cũng chính là thời điểm đặc biệt để suy ngẫm thật thấu đáo và sâu sắc về đoàn kết và thống nhất đất nước, về con người, sức mạnh, nguồn lực, sức sáng tạo và cảm hứng phấn đấu vì một nước Việt Nam thịnh vượng trong thời kỳ tới!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư