Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công: Thêm cơ hội cho khu vực tư nhân

(BĐT) - Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến hoàn thiện nhằm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg với rất nhiều điểm mới. 
Nhiều đơn vị kiến nghị bổ sung các ngành nghề kiểm định và kiểm nghiệm hàng hóa, đấu giá tài sản… vào các ngành xem xét chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Ảnh: Giang Đông
Nhiều đơn vị kiến nghị bổ sung các ngành nghề kiểm định và kiểm nghiệm hàng hóa, đấu giá tài sản… vào các ngành xem xét chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Ảnh: Giang Đông

Việc hoàn thiện Quyết định được đánh giá sẽ góp phần quan trọng đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công cũng như thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Đề cập về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực chuyển ĐVSNCL thành CTCP, tại Tờ trình Dự thảo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, có nhiều cơ sở để tiếp tục hoàn thiện quyết định này. Đó là tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu nghiên cứu trường hợp Nhà nước chỉ giữ 36% hoặc không giữ cổ phần tại đơn vị sự nghiệp công lập sau cổ phần hóa, trường hợp Nhà nước giữ 36% hoặc trên 50% vốn điều lệ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Đặc biệt, qua đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 31, một số bộ, địa phương đã kiến nghị điều chỉnh tiêu chí ngành, lĩnh vực và tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp cổ phần sau khi chuyển từ ĐVSNCL để phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, về đề xuất bổ sung ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP, một số đơn vị (Lào Cai, Hải Phòng và Bộ Tài chính) kiến nghị bổ sung các ngành nghề kiểm định và kiểm nghiệm hàng hóa, đấu giá tài sản, quan trắc, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ca múa, kịch nói, dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị không liệt kê ngành, lĩnh vực hoạt động của các ĐVSNCL phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân vào danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL chuyển thành CTCP.

“Vì vậy, rà soát, điều chỉnh quy định tại Quyết định số 31 là để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt để huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công”, Bộ KH&ĐT nêu rõ. 

Nhiều đổi mới

Dự thảo Quyết định gồm 4 điều, quy định về đối tượng áp dụng; danh mục ngành, lĩnh vực chuyển ĐVSNCL thành CTCP; tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành Quyết định.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, so với những nội dung quy định về tiêu chí ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP tại Quyết định số 31, Dự thảo Quyết định có nhiều đổi mới.

Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Quyết định bổ sung thêm đối tượng áp dụng, bao gồm: ĐVSNCL thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM. Lý do là hiện 2 đơn vị này chưa thuộc danh sách các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Do vậy, việc bổ sung này sẽ giúp các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện rà soát và chuyển đổi các ĐNSNCL trực thuộc thành CTCP.

Về tiêu chí, điều kiện cổ phần hoá ĐVSNCL, ngoài tiêu chí về ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL được xem xét chuyển đổi thành CTCP, Dự thảo Quyết định không quy định các tiêu chí, điều kiện khác. Bởi hiện nay Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chuyển ĐVSNCL thành CTCP (Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, dự kiến trình Chính phủ ban hành quý I/2020) đã quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện xem xét chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP.

Đối với danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL, Dự thảo Quyết định bổ sung quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ và ngành, lĩnh vực xem xét chuyển ĐVSNCL thành CTCP.

Đặc biệt, Dự thảo quy định những ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVNSCL mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ tại CTCP sau khi chuyển đổi như: Dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn về quản lý và kinh doanh...); kinh doanh mặt bằng hội chợ triển lãm… Đây là các ĐVSNCL thuộc nhóm lĩnh vực, ngành mà khối tư nhân đã triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; việc chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP để tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, do vậy Nhà nước không cần nắm giữ vốn tại doanh nghiệp.

Dự kiến, Dự thảo Quyết định sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý I/2020.

Chuyên đề