Quang cảnh Hội thảo Giới thiệu tổng quan về đổi mới sáng tạo đối với các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Bích Thảo |
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC đã thông tin đến các đại biểu tham dự các hoạt động chủ đạo của Trung tâm; các cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo do Trung tâm đang nỗ lực triển khai.
Tính đến thời điểm hiện tại, NIC mới thành lập được 3 năm song đã nỗ lực hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển của Việt Nam sang đổi mới sáng tạo dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ. Thời gian qua, NIC đã từng bước phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu, kết nối khoảng 1.500 chuyên gia Việt Nam nghiên cứu và làm việc trong nhiều ngành nghề, đa lĩnh vực tại các nước phát triển nhằm thúc đẩy, áp dụng đổi mới sáng và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp.
Về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo, theo các chuyên gia, sau khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2020, Luật Đầu tư 2020, các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo (so với trước đây tập trung ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn đầu tư). Việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi (lĩnh vực kinh doanh, công nghệ) như cho vay ngang hàng, sàn giao dịch tín chỉ các-bon…). Bên cạnh đó, khung pháp lý hiện nay vẫn còn thiếu hoặc cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho đổi mới sáng tạo như: Quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng…
Tại Hội thảo, PGS. TS Trần Ngọc Ca - chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã chia sẻ với các đại biểu tham dự Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của một số nước phát triển trên thế giới. Hầu hết các quốc gia đều bắt đầu từ trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ, sau đó có xu thế dịch chuyển sang chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quá trình dịch chuyển thể hiện nhu cầu gắn chặt hơn các hoạt động đổi mới sáng tạo cho mục đích phục vụ gần gũi hơn, thiết thực hơn phát triển kinh tế -xã hội, tùy theo mức độ phát triển khác nhau. Và các chính sách đổi mới sáng tạo của họ đều nhằm thực thi các mục tiêu quốc gia, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là một bộ phận hợp thành hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.