Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần đóng vai trò như nhà toán học, xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn trong phát triển đất nước. Ảnh: Lê Tiên |
Giải các bài toán phát triển
Ngày 9/1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ. Bộ KH&ĐT là bộ đầu tiên tổ chức triển khai 2 nghị quyết quan trọng này. Với phương châm “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và những định hướng nêu trên, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 6/1/2020, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, trách nhiệm đơn vị chủ trì và chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ với chất lượng tốt.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà Bộ KH&ĐT đã đạt được trong năm 2019, góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua. Đặc biệt là tư duy đổi mới, tinh thần tích cực và hành động của Chính phủ đã được Bộ KH&ĐT vận dụng tốt trong các công việc của mình. Nhiều nút thắt đã được tháo gỡ, một số động lực được khơi thông. Tuy nhiên, nhìn chung năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn yếu, phải tiếp tục tháo gỡ một số nút thắt lớn để khơi thông động lực cho nền kinh tế.
Thủ tướng chia sẻ, Bộ KH&ĐT cần đóng vai trò như nhà toán học, xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn trong phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, điểm nghẽn. Bộ cần hiến kế để về đích các mục tiêu đặt ra, tạo bứt phá hơn nữa. Thủ tướng lấy ví dụ, mục tiêu môi trường kinh doanh tăng 10 bậc đặt ra tại Nghị quyết số 02 là thách thức không nhỏ, Bộ KH&ĐT cần tìm ra chính sách đột phá để Việt Nam thăng hạng hơn nữa trong năm 2020.
Hay là câu chuyện giải phóng các nguồn lực cho phát triển, phải giải quyết vướng mắc trong triển khai đầu tư công về thể chế và nhất là khâu tổ chức thực hiện. Nguồn tiền chưa giải ngân còn nhiều, nếu thúc đẩy tháo gỡ sớm sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng năm nay.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng cần tiếp tục đẩy mạnh. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ tự lực của nền kinh tế cần tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thể chế cần làm sao theo kịp yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh thế giới đang đi rất nhanh và không chờ Việt Nam. “Bộ KH&ĐT là bộ tham mưu tổng hợp, không chỉ xác định hướng tham mưu, mà phải đôn đốc sát sao. Chủ trương 1, biện pháp 10, đôn đốc kiểm tra 20 thì mới đưa chính sách vào cuộc sống được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xây dựng lộ trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường
Cách đây gần một năm, Bộ KH&ĐT là bộ đầu tiên mà Thủ tướng tới làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng lần đầu tiên công bố 2 tầm nhìn 100 năm. Đó là Việt Nam 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, với mục tiêu xã hội Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng hơn và thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Và Việt Nam 2045, mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập nước, thời điểm Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng và gia nhập nhóm quốc gia có cuộc sống hạnh phúc.
Tại Hội nghị ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhắc lại khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 - là khát vọng thực tế chứ không phải viển vông. Và Bộ KH&ĐT phải tham mưu xây dựng lộ trình để biến khát vọng này thành hiện thực.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường như là mục tiêu hướng đến trong các hoạt động của Bộ thời gian qua và định hướng sắp tới.
Bộ trưởng chia sẻ, cùng với chặng đường phát triển đất nước trở nên cường thịnh, sứ mệnh, trọng trách tiếp tục đặt lên vai những người làm KH&ĐT, đòi hỏi toàn ngành phải nâng mình lên một tầm cao mới. Mỗi cán bộ phải trang bị cho mình một tư duy đột phá, một tầm nhìn chiến lược; không ngừng đổi mới và cải cách; đủ sức tiếp nhận những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, cùng phương châm hành động xuyên suốt là lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu và là thước đo cao nhất.
Theo Bộ KH&ĐT, mức tăng trưởng GDP trên 7% trong hai năm vừa qua đã củng cố niềm tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao sau 5 năm nữa. Mục tiêu này đang thôi thúc mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược đề ra các giải pháp hiệu quả trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu trong tầm nhìn 2030 và tầm nhìn 2045.