Phát triển giao thông miền Tây: Dồn nguồn lực cho dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được kích hoạt để chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022. Đây là những dự án có tính kết nối cao, nhằm hoàn thiện mạng lưới đường bộ của khu vực, tạo đà cho các dự án giao thông giai đoạn tiếp theo.
Dự án Đường dọc sông Tiền với tổng mức đầu tư 3.263 tỉ đồng chuẩn bị triển khai thực hiện trong năm 2022. Ảnh minh họa: T. Tuấn
Dự án Đường dọc sông Tiền với tổng mức đầu tư 3.263 tỉ đồng chuẩn bị triển khai thực hiện trong năm 2022. Ảnh minh họa: T. Tuấn

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, Dự án Đường dọc sông Tiền với tổng mức đầu tư 3.263 tỉ đồng vừa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để chuẩn bị triển khai thực hiện trong năm 2022. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 111,2 km, trong đó, xây mới 36,4 km, nâng cấp mở rộng 26,3 km và tận dụng hoàn toàn khoảng 48,5 km. Dự án sẽ triển khai từ năm 2022 đến năm 2027, gồm 2 giai đoạn. Được biết, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án là 1.200 tỉ đồng. Phần còn lại, Tiền Giang sẽ huy động từ các nguồn thu ngân sách của Tỉnh.

Theo thiết kế, Dự án sẽ đầu tư xây dựng 13 cầu. Ngoài ra, sẽ xây dựng, nâng cấp các phần đoạn tuyến gồm, đoạn Quốc lộ 30 - Quốc lộ 1 (cầu Mỹ Thuận); đoạn Quốc lộ 1 - thị trấn Cái Bè; đoạn TP. Mỹ Tho - giao Đường tỉnh 877B và cầu Vàm Giồng (đường bờ kè dọc sông Tiền, nhánh nối ra Quốc lộ 50, cuối đường bờ kè đến hết cầu Chợ Gạo, mố B cầu Chợ Gạo đến giao Đường tỉnh 877B, đường và cầu Vàm Giồng)…

Dự án Đường dọc sông Tiền có ý nghĩa lớn khi giúp liên kết giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua kết nối với Quốc lộ 30 để đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang; kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 để đi các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và TP. Cần Thơ; kết nối với Quốc lộ 50, đường ven biển vùng ĐBSCL.

Theo Bộ GTVT, để tạo động lực phát triển cho tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và giải quyết nhu cầu vận tải trên đoạn tuyến này, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) chạy song hành và cách Quốc lộ 91 về phía Tây khoảng 10 km - 15 km vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Dự án đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đang tiến hành thẩm định làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).

Đồng thời, Bộ GTVT cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã ưu tiên bố trí 5.656 tỷ đồng để đầu tư 6 dự án: Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ và 3 dự án đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Đây đều là những dự án có tính kết nối cao trong khu vực, giúp hoàn thiện hạ tầng đường bộ cho tỉnh Đồng Tháp.

Việc dồn nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL là ưu tiên của Chính phủ để phát huy đúng giá trị, vai trò của vùng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, hàng loạt dự án trọng điểm tại khu vực này vẫn chưa thể khởi động. Cụ thể như Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 30, đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp đã được phê duyệt dự án đầu tư năm 2016 với kinh phí 848 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án chỉ được bố trí 30 tỷ đồng để triển khai công tác tư vấn. Do chưa thể triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, Dự án bị chậm lên tới 10 năm. Tại An Giang, Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 tuyến Long Xuyên - Châu Đốc cũng gặp tình trạng tương tự khi chưa thể sắp xếp được nguồn vốn.

Còn nhiều dự án chưa thể triển khai như Dự án Quốc lộ 91C dài 36 km từ thành phố Châu Đốc, đến cửa khẩu Khánh Bình; Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang… không thể cân đối nguồn vốn để đầu tư tuyến đường này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ GTVT, hiện Bộ ưu tiên nguồn lực để đầu tư tuyến Quốc lộ 91 đoạn tránh Long Xuyên và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, những dự án trọng điểm, huyết mạch để tạo đà cho các dự án giao thông khác trong giai đoạn 2025 - 2030.

Chuyên đề