Phát triển Dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM: Kỳ vọng mới từ các nhà đầu tư cũ

(BĐT) - Sau thời gian dài chuẩn bị, kêu gọi nhà đầu tư tham gia Dự án Đốt rác phát điện, TP.HCM đã công bố những tên tuổi sẽ cải thiện môi trường cho Thành phố trong thời gian tới. Liệu họ có giải được bài toán mới cho TP.HCM là giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ mới?
UBND TP.HCM đưa ra chỉ tiêu cuối năm 2020 có 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Ảnh: Hà Hương
UBND TP.HCM đưa ra chỉ tiêu cuối năm 2020 có 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Ảnh: Hà Hương

Công nghệ xử lý rác mới

Theo định hướng của TP.HCM, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ chuyển đổi sang áp dụng công nghệ đốt rác phát điện. Hiện nay, việc xử lý chất thải của Thành phố chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế, nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 là gần 3,1 triệu tấn, trung bình hơn 9,2 ngàn tấn/ngày (tăng 4,19% so với năm 2017).

Năm 2018, lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM được xử lý dưới dạng chôn lấp là 2,2 triệu tấn, chiếm 72,52% tổng khối lượng chất thải. Trong đó, chôn lấp tại khu Đa Phước là 2,02 triệu tấn, trung bình 6,06 ngàn tấn/ngày, tăng 6,25% so với năm 2017. Chôn lấp tại khu Tây Bắc là 207 ngàn tấn, trung bình 621 tấn/ngày. Tái chế tại Công ty CP Vietstar là hơn 444 ngàn tấn, trung bình 1,3 ngàn tấn/ngày. Và tái chế tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là 401 ngàn tấn, trung bình 1,2 ngàn tấn/ngày.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, mặc dù các bãi chôn lấp tại Thành phố là chôn lấp hợp vệ sinh, tuy nhiên hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm. Năm 2019, UBND TP.HCM đưa ra chỉ tiêu cuối năm 2020 có 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở KH&ĐT và các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp với các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt có thể bắt đầu khởi công xây dựng trong  năm 2019.

3 nhà đầu tư “quen” của TP.HCM

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, có 3 nhà máy đốt rác phát điện sẽ được khởi công trong tháng 8 và tháng 10/2019 để bảo đảm lượng rác chôn lấp của Thành phố chỉ còn 50% vào cuối năm 2020. Dự kiến sau khi hoàn thành, mỗi ngày, 3 nhà máy này sẽ xử lý khoảng 8.000 tấn rác đốt phát điện tại TP.HCM. 3 nhà đầu tư thực hiện là Công ty CP Vietstar, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Tasco. Đây đều là những cái tên quen thuộc, gắn bó với Thành phố trong thời gian qua.

Theo đó, ngày 28/8/2019, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của Công ty CP Vietstar khởi công tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). TP.HCM đã chấp thuận Dự án với quy mô 2.000 tấn/ngày đổi mới công nghệ, nâng cấp từ cơ sở nhà máy đầu tiên. Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty Vietstar, cho biết: "Giai đoạn đầu sau khi vận hành, mỗi ngày nhà máy sẽ xử lý 2.000 tấn rác tái chế và 2.000 tấn rác đốt phát điện. Đến năm 2021, công suất xử lý nâng lên 4.000 tấn rác đốt phát điện/ngày".

Theo ông Việt, Công ty sẽ nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, công nghệ của Đức, với quy trình xử lý khép kín, tự động hóa khâu phân loại rác. Trong quá trình đốt rác, các tiêu chí về khí thải, nước thải, chất thải phải bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hại đối với sức khỏe con người.

Sau nhà máy đốt rác phát điện của Vietstar, vào tháng 10 tới, 2 nhà máy khác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Tasco với công suất đốt rác phát điện 2.000 tấn rác/ngày/nhà máy cũng khởi công tại huyện Củ Chi.

Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa hiện đang sở hữu và vận hành hệ thống 5 nhà máy xử lý chất thải ở TP.HCM, Long An, Kiên Giang, Huế và Hà Nam.

Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa là hai đơn vị xử lý rác ở khu Tây Bắc TP.HCM trước đây bị người dân Củ Chi phản đối vì tình trạng ô nhiễm mùi hôi kéo dài. Nhà máy Đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày, đêm. Công ty này cho biết sẽ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện martin, xử lý triệt để mùi hôi.

Trong khi đó, năm 2018,  Công ty CP Tasco  đã khởi công Nhà máy Xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư công bố, Dự án sử dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm.

Như vậy, sau quá trình dài lập Dự án, thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đốt rác phát điện, TP.HCM đã lựa chọn những tên tuổi để giải bài toán ô nhiễm môi trường.

Dù rất nhiều cam kết từ phía nhà đầu tư như: tiến độ nhanh (chỉ từ 1-2 năm là có thể giải quyết triệt để 50% lượng rác của Thành phố), công nghệ mới không gây mùi hôi, đất và vốn đầu tư đã có sẵn…, nhưng câu chuyện liên quan đến chi phí xử lý rác mà UBND TP.HCM phải trả cho những công ty này có tăng so với đơn giá cũ hay không, người dân có phải trả thêm tiền hay không vẫn cần làm rõ. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định, kinh phí xử lý rác phát điện dự kiến dao động từ 550.000 đồng/tấn rác trở xuống. Sau khi phát điện, các công ty sẽ bán cho ngành điện để tính toán giá thành. Căn cứ vào đó, Thành phố ban hành đơn giá xử lý rác cho các nhà đầu tư. Riêng về giá rác thu gom tại các hộ dân hiện chưa tính chi phí xử lý, vận chuyển. Sắp tới, theo lộ trình tăng giá xử lý rác mà Thành phố ban hành, người dân sẽ chi trả mức phí cao hơn nhưng vẫn trong mức chấp nhận được, có kiểm soát.

Chuyên đề