Phát triển chuỗi cung ứng: Hướng tới gia tăng giá trị hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của một số ngành kinh tế. Song bên cạnh thách thức, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để bứt phá, thúc đẩy chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới. Chính sách nào để có thể khơi dậy, tăng cường sự tham gia của DN nội địa, nhất là các DN nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng, hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm.
Doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị cao trong chuỗi cung ứng nông nghiệp hay chế biến thực phẩm. Ảnh: Huấn Anh
Doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị cao trong chuỗi cung ứng nông nghiệp hay chế biến thực phẩm. Ảnh: Huấn Anh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức cuộc họp cho ý kiến đối với Báo cáo về chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh Covid-19, trước mắt đối với 3 ngành là: nông nghiệp; chế biến thực phẩm; ô tô và xe điện.

Theo ông Nguyễn Việt Long, đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo, điểm yếu của ngành nông nghiệp nước ta là hệ thống logistics yếu kém; kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cũng như chi phí và thời gian xuất khẩu cao; năng lực về nghiên cứu và phát triển (R&D) để tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng còn hạn chế…

Theo kết quả nghiên cứu, có 40 - 45% DN được khảo sát cho biết họ bị thất thoát sau thu hoạch hàng năm do sự yếu kém của công nghệ sơ chế và bảo quản sơ cấp (dây chuyền lạnh, kho lạnh…); 21% DN cho biết gặp khó khăn trở ngại trong logistics; 61% DN khó khăn trong tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, bao gồm cả người tiêu dùng trong nước và tại các thị trường xuất khẩu…

Bên cạnh đó, tỷ trọng các nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu còn lớn. Cụ thể, 80 - 95% giống, 80% thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi… phải nhập khẩu.

Đối với ngành chế biến thực phẩm, hầu hết DN chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ và vừa, việc đầu tư kho bãi hoặc phương tiện nhằm tăng hiệu quả về mặt tài chính và lợi thế quy mô còn hạn chế. Đối với ngành ô tô và xe điện, ông Long cho biết, dịch bệnh không tác động trực tiếp, song cũng làm lộ rõ hơn hạn chế cố hữu khi 80% phụ tùng ô tô lắp ráp đều phải nhập khẩu...

Mặc dù khó khăn, thách thức là rất lớn, song nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, đại dịch mang lại cơ hội nếu chúng ta có những chính sách trúng và đúng để lấp “khoảng trống” trong chuỗi cung ứng. Ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm có tiềm năng lớn khi tận dụng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương; tăng cường sự tham gia của các DN địa phương vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đồng thời có thể thúc đẩy sự tham gia của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển ngành. Bên cạnh đó, việc xe điện nổi lên như một xu hướng mới của ngành công nghiệp xe hơi đang tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và DN nội địa vào hệ sinh thái xe điện. Trên cơ sở đó, nhóm tư vấn đề xuất một số chính sách hỗ trợ và các biện pháp nhằm hỗ trợ DN phục hồi mạnh mẽ và tăng cường sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cầu.

Khẳng định đây là nghiên cứu bước đầu với nhiều thông tin giá trị, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nghiên cứu cần rộng hơn, sâu hơn, sát hơn, nhất là lựa chọn, đề xuất các ngành quan trọng nhằm tranh thủ cơ hội phát triển, phục hồi nhanh chóng nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong lĩnh vực nông nghiệp. DN Việt Nam đang đảm nhiệm khâu có giá trị gia tăng thấp nhất và nhiều rủi ro nhất trong chuỗi cung ứng, đó là sản xuất. Còn những khâu ít rủi ro và giá trị cao hơn như: giống, phân phối, marketing… chúng ta chưa nắm được. Cùng với đó, sức cạnh tranh hàng hóa chưa cao, thiếu đặc sản vùng miền, sản xuất chưa chú trọng nhiều nâng cao giá trị... Do đó, phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp phải hướng đến sản xuất hiệu quả và bán dược giá cao; phải chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, gắn truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm gia tăng giá trị hàng hóa.

Để nâng cao giá trị hàng hóa trong chuỗi cung ứng, đại diện UNDP bổ sung, Việt Nam cần xây dựng những DN là “sếu đầu đàn” dẫn dắt, thúc đẩy chuỗi cung ứng ngành, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu. Đại diện cơ quan này nêu ví dụ, Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, song thực tế lượng hàng hóa vào các nước vẫn thấp, giá trị thu được không cao một phần là do thiếu DN dẫn dắt trong chuỗi giá trị.

Chuyên đề