Phát triển bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau. Cả hệ thống chính trị sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó mọi tầng lớp nhân dân bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác… đều có cơ hội chung tay góp sức, chia sẻ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Ảnh: Tường Lâm
5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Ảnh: Tường Lâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “mệnh lệnh từ trái tim” ấy tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vừa diễn ra.

Là cơ quan tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong những năm qua đã tham mưu cho Chính phủ thiết kế nhiều chính sách để thực hiện sứ mệnh ấy.

Tiếp niềm tin, động lực cho người yếu thế vươn lên

“Chúng tôi luôn ý thức rằng người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Với quan điểm này, những năm qua, Bộ KH&ĐT đã triển khai nhiều chương trình vì sự phát triển cộng đồng, hướng tới những giá trị nhân văn và tử tế.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 5/12/2019, Bộ KH&ĐT đã phát động Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Sáng kiến không chỉ giúp người khiếm thị có phương tiện để hòa nhập mà còn tiếp thêm ý chí để họ vươn lên trong cuộc sống. Hơn 14.200 cây gậy trắng đã được huy động ngay tại buổi lễ và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng trong thời gian tới, khi Sáng kiến được nhân rộng, có thể số gậy sẽ được nhân lên nhiều hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu của tất cả người khiếm thị.

Đó chỉ là một trong nhiều hoạt động xã hội thiết thực mà Bộ KH&ĐT đã thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ cộng đồng người yếu thế. Thông qua những sự kiện này, Bộ KH&ĐT không chỉ muốn chia sẻ khó khăn với những người yếu thế từ sự đồng cảm của trái tim, mà bền vững hơn, từ góc độ cơ quan tham mưu về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Bộ tiếp tục khẳng định quan điểm hoạch định chính sách phát triển bền vững, bao trùm, bảo đảm sự công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả của quá trình phát triển đất nước.

Là một trong rất nhiều người khuyết tật đã tham gia chuỗi Chương trình Tự hào Việt Nam của Bộ KH&ĐT, ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt cho rằng, sự đồng hành của một cơ quan chính phủ giúp cộng đồng yếu thế có niềm tin hơn rất nhiều để tiếp tục nỗ lực cống hiến cho đất nước.

Để tất cả người dân được hưởng thành quả của phát triển

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sau khi thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam đã xây dựng cách tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ những phân biệt trong xã hội.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những thành công lớn nhất là tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều. Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên. Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước.

Trong Báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Đáng chú ý, bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.

Tuy đã đạt được nhiều thành quả, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Điều đó có nghĩa, trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, phải đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội, hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng và hòa nhập, thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với đường lối chủ yếu là lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, trước hết là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của Nhà nước.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 của Việt Nam sắp được thông qua, trong đó phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người tiếp tục là mục tiêu trọng tâm. Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và đổi mới, sáng tạo luôn được Chính phủ Việt Nam chú trọng nhằm đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho người dân trên nguyên tắc bình đẳng và không ai bị bỏ lại phía sau như Thủ tướng Chính phủ luôn cam kết và khẳng định.

Chuyên đề