Phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường của DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nắm giữ nguồn lực lớn trong nền kinh tế, nhưng vai trò dẫn dắt, mở đường, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn mờ nhạt, nhất là trong các lĩnh vực mới.
Sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm
Sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo một loạt nhiệm vụ trọng tâm để phát huy vai trò của khu vực này trong bối cảnh mới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cả nước có gần 680 DNNN (trong đó, có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số DN cả nước và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%), đang nắm một lượng tài sản rất lớn (hơn 3,8 triệu tỷ đồng). Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.

Các DN 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của khu vực kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy hơn nữa vai trò của khối DNNN trong bối cảnh mới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho DN.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho DN, đặt mình vào vị trí của DN để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm.

Về phía DNNN, phải tăng cường tái cơ cấu DN, đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, nhất là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; các chương trình, dự án lớn đang triển khai như: hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số… Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi, góp phần đào tạo nhân lực cho DN, các địa phương và cả nước.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khuyến nghị, các DNNN cần chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023 đã đề ra, phấn đấu vượt mức kế hoạch được giao.

“Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia về phát triển ngành hydrogen. Trên cơ sở đó, lựa chọn các DNNN phù hợp để giao nhiệm vụ cùng nguồn lực, tạo cơ chế đặc thù, chính sách nhằm nghiên cứu, đầu tư trở thành DN dẫn dắt trong các ngành công nghiệp mới”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin.

Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty như: Viettel, VNPT, Mobifone đã và đang tiếp tục xây dựng nền tảng số, mở ra nguồn dữ liệu bán hàng và khả năng chia sẻ cho DN nhỏ và vừa, đưa DN nhỏ và vừa vào hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ thống cung ứng của các DN lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của DN nhỏ và vừa.

Ở góc nhìn khách quan, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, những DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền thì tính cạnh tranh, đổi mới sáng tạo sẽ không cao. Vì thế, để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường của khối DNNN cần phải có sự lựa chọn ở một số lĩnh vực nhất định với việc đầu tư tương xứng thông qua cơ chế, chính sách phù hợp. Những DNNN hoạt động không hiệu quả thì nên tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn.

Về hiệu quả hoạt động, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tổng lãi phát sinh trước thuế thu nhập DN là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng lỗ phát sinh của cả khối DNNN trong 6 tháng năm 2023 là 33.639 tỷ đồng.

Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khối DNNN đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt 117.388 tỷ đồng; lỗ phát sinh ước đạt 41.666 tỷ đồng, chủ yếu đến từ EVN (37.062 tỷ đồng) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (4.515 tỷ đồng).

Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Chuyên đề