Không chỉ là cơ hội kinh doanh, việc tham gia đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn là trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư đối với quốc gia. Ảnh: Phú An |
Đây được đánh giá là cơ hội để nhà đầu tư Việt Nam phát huy nội lực, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, năng lực tổ chức thi công và kinh doanh tại một đại dự án quy mô bậc nhất trong lịch sử ngành giao thông.
Nhà đầu tư trong nước tự tin
Theo khái toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, chia làm 11 dự án thành phần, trong đó Nhà nước đầu tư 55.000 tỷ đồng thực hiện 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công thuần túy; 8 dự án thành phần còn lại có tổng mức đầu tư 63.716 tỷ đồng sẽ thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sau khi hủy sơ tuyển quốc tế 8 dự án PPP vào cuối tháng 9/2019, ngay lập tức Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án trực thuộc tiến hành các thủ tục đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án này.
Bộ GTVT đã tiến hành điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Hiện nay, các ban quản lý dự án của Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thành việc đánh giá kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện 8 dự án nêu trên, trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt kết quả sơ tuyển. Theo dự kiến, tháng 4/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và khoảng tháng 11/2020 sẽ hoàn tất công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho rằng, việc tham gia đấu thầu các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam vừa là cơ hội để nhà đầu tư trong nước khẳng định mình, vừa là trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư với 1 dự án có tầm quan trọng đặc biệt của quốc gia. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong nước đã thực hiện một số đoạn cao tốc tương tự, đảm bảo chất lượng và tiến độ nên chắc chắn sẽ đảm đương được.
Theo ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nay, năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước đã được nâng lên rõ rệt. Lực lượng này đã vươn lên làm chủ nhiều công nghệ phức tạp và tiên tiến, được chứng minh qua nhiều công trình tầm cỡ của quốc gia. Các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước cũng đã bắt kịp thế giới ở quy trình tổ chức sản xuất, tổ chức thi công để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và giá thành công trình. Tựu trung lại, nhà thầu và nhà đầu tư trong nước đang trên đà phát triển, đã tích lũy đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình lớn và khó, vấn đề là Nhà nước cần tạo ra cơ chế, cơ hội việc làm để họ lớn mạnh thêm.
Tham gia với lực lượng hùng hậu
Theo đại diện một số nhà đầu tư, việc liên danh, liên kết giữa các nhà đầu tư khi tham gia đấu thầu các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ khai thác được sức mạnh tổng hợp của các thành viên liên danh, tận dụng được năng lực và kinh nghiệm của thành viên liên danh.
Trò chuyện với phóng viên Báo Đấu thầu, các chuyên gia cũng cho rằng, con đường liên danh - liên kết để tham gia đấu thầu các dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam là tất yếu và khôn ngoan của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, đặc biệt quan trọng của quốc gia nên chắc chắn đòi hỏi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải có năng lực mạnh thực sự, cả về năng lực thi công xây dựng lẫn tiềm lực tài chính. Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp sẽ có những thế mạnh nhất định, khi liên danh - liên kết với nhau, sức mạnh tổng hợp sẽ không chỉ dừng ở cấp số cộng. Khi đó, cơ hội trúng thầu sẽ cao hơn và các nhà đầu tư cũng sẽ yên tâm hơn khi có đối tác chia sẻ rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện các dự án.