Phát huy nội lực, nuôi dưỡng “đại bàng” nội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, muốn đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra, việc sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực, cả ngoại lực và nội lực là rất cần thiết. Vì thế, cần những chính sách song hành, vừa dọn tổ đón “đại bàng” ngoại, nhưng cũng cần nuôi dưỡng, phát huy nội lực, hình thành và phát triển “đại bàng” nội.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 98 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,9% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu 14,4 tỷ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu 12,6 tỷ USD không kể dầu thô.

Những con số này cho thấy đóng góp lớn vào xuất khẩu của khu vực ĐTNN, hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, ở góc độ khác, cũng cho thấy sự đóng góp khá hạn chế của khu vực doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu và nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào khu vực ĐTNN.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đất nước hùng cường như mục tiêu đề ra, song hành với thu hút ĐTNN, cần củng cố nội lực, phát huy các yếu tố nội sinh. Chỉ có doanh nghiệp dân tộc mới hướng đến khát vọng dân tộc. Củng cố nội lực, trước mắt là cần tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn do Covid-19, tăng khả năng chống chịu, tận dụng được cơ hội bứt phá. Bên cạnh đó, một nền kinh tế mạnh không thể chỉ dựa trên một đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mà rất cần những doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thu hút ĐTNN rất quan trọng, nhưng muốn hùng cường, muốn “hoá rồng”, “hoá hổ” thì dứt khoát chúng ta phải công nghiệp hoá thành công, phải có doanh nghiệp đầu đàn. Ông Dũng cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, có thể vươn lên cạnh tranh với thế giới. Nếu hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài thì chúng ta không thể làm chủ tương lai công nghiệp.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV cho rằng, chúng ta đang nói nhiều đến chuyện “lót tổ cho đại bàng ngoại”, nhưng Việt Nam cũng đã có các tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt, trong từng lĩnh vực đã hình thành những “đại bàng” lớn. Vấn đề là làm sao nuôi dưỡng, phát triển những doanh nghiệp này lớn mạnh hơn nữa. Ông Lê Thanh Vân đề xuất những yếu tố tiền đề cần thiết là môi trường pháp lý, tạo ra luật lệ, luật chơi hấp hẫn để doanh nghiệp bỏ tiền làm ăn, đầu tư. Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ, tuân thủ, tôn trọng các điều khoản, cam kết hợp đồng đã ký kết giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư nhân với tư nhân...; bảo vệ được giá trị tài sản của người dân, doanh nghiệp. Cần tạo dựng môi trường văn hóa, đặc biệt là văn hóa kinh doanh, làm sao chặn được văn hóa kinh doanh kiểu chộp giật. Phải chú trọng phát triển hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch phải ổn định. Cán bộ công chức, viên chức phải hành xử chuyên nghiệp, chất lượng cần được nâng cao.

Đồng thời, phải có sự phân công giữa khu vực công và khu vực tư đúng theo quan điểm những gì tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm. “Việc tạo ra các giá trị về kinh tế phải được trao cho xã hội, đặc biệt là lực lượng tư nhân - sứ mệnh của họ là làm giàu. Nhưng cùng với đó, khuôn khổ pháp luật phải ngăn chặn việc làm giàu bất hợp pháp, tàn phá môi trường. Phải tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng từ huy động vốn đến quy hoạch, cho đến những ứng xử khác để phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua, song hành với xây dựng chính sách để thu hút ĐTNN có chọn lọc, dọn tổ đón “đại bàng ngoại”, nhiều chính sách phát triển, nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, xây dựng các doanh nghiệp đầu đàn cũng đang được Chính phủ xây dựng.

Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng xác định một trong những mục tiêu là phải phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. So với giai đoạn trước, kế hoạch giai đoạn tới sẽ tăng cường và tập trung vào phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bản Dự thảo Kế hoạch cũng đề ra những giải pháp để hình thành, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, dẫn dắt các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.

Chuyên đề