Phân vùng kinh tế, “bật sáng” lợi thế địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Quảng Bình đề ra lộ trình với quyết tâm hành động thiết thực, hiệu quả để đến năm 2030 đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; đến năm 2050 là địa phương phát triển kinh tế năng động. Trong nhiều giải pháp quy hoạch được đưa ra để định hướng đầu tư, kiến tạo cơ hội phát triển mới, Quảng Bình “phân vai” cụ thể, rõ nét các tiểu vùng kinh tế, hành lang kinh tế, không gian đô thị và các trung tâm công nghiệp.
Quảng Bình xác định tiểu vùng động lực trung tâm gồm TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch và khu vực phía Bắc huyện Quảng Ninh. Ảnh: Tiên Giang
Quảng Bình xác định tiểu vùng động lực trung tâm gồm TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch và khu vực phía Bắc huyện Quảng Ninh. Ảnh: Tiên Giang

Phát triển 3 tiểu vùng kinh tế

Trong 3 tiểu vùng kinh tế, Quảng Bình xác định tiểu vùng động lực trung tâm gồm TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch và khu vực phía Bắc huyện Quảng Ninh (thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, xã Vĩnh Ninh) với diện tích khoảng 234.000 ha. Vùng này sẽ phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch chất lượng cao, công nghiệp đa ngành đóng vai trò chủ đạo.

Tiểu vùng động lực phía Bắc gồm thị xã Ba Đồn và các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa có diện tích khoảng 317.800 ha với lợi thế hạ tầng của vùng giáp ranh Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, liên kết và hợp tác 2 khu kinh tế Vũng Áng, Hòn La kết nối với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và tuyến Quốc lộ 12A. Tiểu vùng này cũng được định hướng phát triển kinh tế tổng hợp gồm: phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu, logistics, cảng biển, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quốc tế...

Tiểu vùng sinh thái nông lâm nghiệp phía Nam gồm huyện Lệ Thủy và các xã của huyện Quảng Ninh (trừ thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh và Vĩnh Ninh đã đưa vào khu trọng điểm kinh tế trung tâm) có diện tích khoảng 254.700 ha với hạt nhân phát triển là thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), Dinh Mười (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), các khu công nghiệp (Cam Liên, Bang). Theo quy hoạch, tiểu vùng này sẽ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái nhằm phát huy lợi thế, liên kết phát triển với các đô thị phía Bắc của Tỉnh và tỉnh Quảng Trị.

Liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội

Trong quy hoạch phân bổ các không gian kinh tế, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, sẽ liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của Tỉnh, bao gồm hành lang kinh tế dọc trục Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc - Nam ở phía Đông của Tỉnh (hành lang Quốc lộ 1A, hành lang đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc dự kiến, hành lang ven biển), kết nối các đô thị hạt nhân: Ba Đồn, Hoàn Lão, Đồng Hới, Kiến Giang. Trong tương lai, dự báo đây là trục có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất, với hàng loạt đô thị được nâng cấp và xây dựng mới, là động lực quan trọng của Tỉnh nói riêng và của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ nói chung, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng toàn tỉnh.

Hành lang kinh tế Quốc lộ 12A được hình thành chủ yếu trên cơ sở Quốc lộ 12A tại địa bàn thị xã Ba Đồn và các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Phía Tây hành lang kinh tế này là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và phía Đông là Khu kinh tế (KKT) Hòn La gắn với cảng biển Hòn La, kết nối với cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh, có liên hệ chặt chẽ với hành lang đường Hồ Chí Minh và hành lang Quốc lộ 1A qua Tỉnh.

Hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh là vùng phía Tây khó khăn của Tỉnh và cũng là khu vực phát triển đô thị thấp nhất trong Tỉnh; trục đô thị hóa gồm các hệ thống đô thị, trung tâm xã, cụm xã: thị trấn Quy Đạt, Troóc, Phong Nha, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh.

Đi kèm các hành lang kinh tế này là các lĩnh vực kinh tế động lực, trong đó tập trung vào công nghiệp, bao gồm: vùng công nghiệp phía Bắc với hạt nhân là KKT Hòn La, các khu công nghiệp (KCN): Cảng biển Hòn La, Hòn La II, Quảng Trạch, KCN cửa ngõ phía Tây và các cụm công nghiệp (CCN): Quảng Thọ, Quảng Long (thị xã Ba Đồn); Cảnh Dương, CCN Trung tâm Quảng Trạch (huyện Quảng Trạch) và Thanh Trạch (huyện Bố Trạch).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là vùng công nghiệp động lực phát triển của Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030 với một số dự án trọng điểm như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II và điện khí. Đây cũng là khu vực đô thị công nghiệp cần được phát triển các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tiên tiến với các phân ngành: công nghiệp cơ khí, điện tử tin học, lắp ráp linh kiện, chế biến thủy hải sản, công nghiệp muối, sản xuất, phân phối điện.

Song song đó, Quảng Bình quy hoạch phát triển vùng công nghiệp trung tâm tại TP. Đồng Hới và vành đai lân cận huyện Bố Trạch, Quảng Ninh (gồm các KCN: Bố Trạch, Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu và các CCN: Thuận Đức, Lộc Ninh, Bắc Nghĩa, Phú Hải, Nghĩa Ninh, Đồng Sơn, Nam Trạch, Đại Trạch, Mỹ Trạch, thị trấn Quán Hàu). Vùng này ưu tiên các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, thu hút các loại hình công nghiệp hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao, sản xuất trang phục, da giầy, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu...

Trong quy hoạch lĩnh vực công nghiệp, Quảng Bình phân vùng công nghiệp phía Nam bao gồm KCN Cam Liên, Bang và các CCN: Mỹ Đức, Sen Thủy, Thái Thủy (huyện Lệ Thủy); Nam Long, Gia Ninh, Hải Ninh, An Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh). Đây là khu vực phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, cây công nghiệp và trồng rừng nên chủ yếu ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá...; phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời dọc theo bờ biển thuộc các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Với quy hoạch tiểu vùng kinh tế, hành lang kinh tế, trụ cột kinh tế…, Quảng Bình hướng đến bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu cuối cùng, theo lãnh đạo Tỉnh, là xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế như: tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4 - 8,8%/năm (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 8 - 8,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 8,5 - 9%/năm). Trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây (hướng ra biển).

Các đột phá phát triển của tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

* Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn như hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt. Trong đó, tập trung hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2025; hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KCN, KKT; hạ tầng công nghệ thông tin.

* Đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách bảo đảm huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài.

* Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới, du lịch giá trị cao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư