Licogi 18 vừa liên danh trúng Gói thầu XL8 Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Hóc Môn với giá hơn 1.417,8 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công, Licogi 18 đã góp mặt tại nhiều công trình lớn kể từ đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với áp lực nợ phải trả lớn gấp 5,3 lần vốn chủ sở hữu, chi phí lãi vay lớn dần...
Hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công
Ngoài gói thầu trên, từ đầu năm đến nay, Licogi 18 đã góp mặt tại 2 công trình lớn. Đơn cử, vào cuối tháng 3/2023, Licogi 18 liên danh cùng Công ty CP 873 - Xây dựng công trình giao thông trúng Gói thầu số 11 Xây dựng cầu Sông Uông (bao gồm công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và đảm bảo an toàn giao thông thủy cầu Sông Uông) với giá hơn 464,8 tỷ đồng, giảm 22% so với giá gói thầu. Gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ Đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 1).
Ngoài ra, vào đầu năm nay, Liên danh Licogi 18 - Công ty CP Xây dựng cầu 75 trúng Gói thầu số 14 Xây dựng cầu Lại Xuân và đường dẫn đầu cầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh với giá 544,738 tỷ đồng, giảm 6,4% so với giá gói thầu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào cuối tháng 4/2023, HĐQT Licogi 18 đánh giá năm 2023 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu chiến lược nhờ giải ngân vốn đầu tư công lớn cho các dự án giao thông. HĐQT Công ty đặt mục tiêu kế hoạch năm 2023 đối với công tác xây lắp, từ khối lượng công việc gối đầu đến cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng trung bình từ 10% - 15%. Đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng, phê duyệt phương án xây thô Dự án Khu đô thị Bắc cầu Hàn (tỉnh Hải Dương) và triển khai công tác bán hàng trong quý III/2023.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.892 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động xây lắp là 2.298 tỷ đồng, doanh thu chuyển nhượng bất động sản là 582,4 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 68,5 tỷ đồng.
Phần nổi của chi phí lãi vay
Kết thúc quý I/2023, Licogi 18 ghi nhận 302,5 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 15% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, lợi nhuận gộp của Công ty tăng trưởng 25,4%, đạt 28,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí lãi vay của Công ty tăng 79,3% lên 12,8 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2,219 tỷ đồng, gần bằng một nửa so với quý I/2022.
Nếu tính trên tổng nợ vay (tại ngày 31/12/2022) là 1.096 tỷ đồng, chi phí lãi vay của Licogi 18 chỉ ở mức 4,6%/năm. Nhưng chỉ tiêu chi phí lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh không phản ánh đầy đủ số tiền mà Licogi 18 thực chi để trả lãi vay trong kỳ. Tiền lãi vay đã trả được ghi nhận trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I/2023 là gần 55 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần chi phí lãi vay được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Phần chênh lệch nêu trên nhiều khả năng đến từ việc Licogi 18 đã bút toán vốn hóa chi phí lãi vay trong tài sản khác (ở đây chủ yếu là tài sản hình thành từ mua sắm, xây dựng). Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 16, “các chi phí đi vay được vốn hóa khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định một cách đáng tin cậy”.
Đến hết quý I/2023, quy mô tài sản của Licogi 18 ở mức 3.705 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 3.122 tỷ đồng, gấp hơn 5,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay ở mức 1.703,4 tỷ đồng, tăng hơn 124,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây là áp lực lớn đối với Licogi 18 để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.