Phải định lượng cải thiện môi trường đầu tư

(BĐT) - Ngày 1/4, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là những bất cập trong môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khu vực kinh tế tư nhân cần nhiều hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Ảnh: Nhã Chi
Khu vực kinh tế tư nhân cần nhiều hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Ảnh: Nhã Chi

“Mời gọi đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh!”

Phát biểu tại Hội trường, ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh: “Chúng ta tha thiết mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện là những rào cản, những barie vô hiệu hóa”. Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền “lót tay”, tiền “bôi trơn”. Điều này, theo ĐBQH Lê Như Tiến, đã khiến cho không ít doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

“Thế là mời gọi đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới… Một khi cơ chế xin - cho vấn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu”, ĐBQH Lê Như Tiến khẳng định.

Đồng quan điểm với ĐBQH Lê Như Tiến, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cũng cho rằng: “Hiện có nhiều người trẻ muốn khởi nghiệp nhưng họ thấy còn quá nhiều khó khăn, bất cập trong môi trường đầu tư ”.

“Tạo lập môi trường sạch cho phát triển KTXH là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai, đó cũng chính là nhiệm vụ rất nặng nề mà nhân dân trao gửi cho Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới”, ĐBQH Lê Như Tiến nhấn mạnh. 

“Kế hoạch 2016 - 2020 nên là kế hoạch khởi nghiệp quốc gia”

Nhiều ĐBQH nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và sự hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước để thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển. Theo nhiều đại biểu, doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng là những đối tượng được xem là yếu thế trong cuộc chơi không cân sức.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho rằng, cần phải có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan hữu quan. Trước mắt, đại biểu này kiến nghị: “Chính phủ cần sớm trình và thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nên chăng, cần thành lập một hội đồng phát triển doanh nghiệp cấp quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu phụ trách với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”.

Đồng thuận với quan điểm của ĐBQH Phạm Trọng Nhân, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng: “Để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, rất cần xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp”.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc đặt giả thiết, nếu đặt mục tiêu đến năm 2020 có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, mà bình quân mỗi doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc, thì chúng ta có thể tạo ra 30 - 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam. Với mục tiêu đó, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nên đặt là Kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp”.

Để thực hiện được kế hoạch này, theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, cần phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta trong mối tương quan so sánh với các nền kinh tế khác, không phải chỉ kiểu ta so với ta, hay “mẹ hát con khen hay”.

Chuyên đề