Ảnh Internet |
Bám sát các dự án để đấu thầu
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo PET cho biết, kế hoạch năm 2016 được xây dựng trên cơ sở thận trọng, giảm thiểu các rủi ro. Theo đó, mục tiêu doanh thu năm nay vào khoảng 9.000 tỷ đồng, bằng 95% so với năm ngoái.
Thực tế cho thấy, doanh thu trong năm 2015 của PET đã giảm đáng kể, đạt 10.652 tỷ đồng, bằng 92% so với năm 2014. Trong cơ cấu doanh thu của PET thì mảng dịch vụ phân phối tiếp tục là mảng chủ đạo khi chiếm đến 82% tổng doanh thu và 52% lợi nhuận. Ngoài ra, mảng phân phối vốn được xem là chủ lực (chiếm tỷ trọng 82%), do 2 đơn vị thành viên là Smartcom và PTHD đảm nhận đang gặp khó do áp lực cạnh tranh. Tổng doanh thu mảng này trong năm 2015 đạt hơn 7.089 tỷ đồng, bằng 95% so với năm 2014 và lợi nhuận đạt 118 tỷ đồng (bằng 76%).
Với các mảng cung cấp vật tư thiết bị, dịch vụ đời sống, PET cũng gặp nhiều thách thức lớn do giá dầu giảm sâu và kéo dài khiến các dự án trong ngành dầu khí phải dừng, giãn tiến độ, đó là chưa kể xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Điều đó buộc PET trong thời gian tới phải tiếp tục bám sát tiến độ các dự án trong ngành dầu khí để tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Với các dự án đã trúng thầu (nhất là mảng vận chuyển siêu trường siêu trọng) PET vẫn cố gắng giữ uy tín chất lượng dịch vụ để giữ thị phần.
Ngừa rủi ro, giảm lệ thuộc nguồn vốn vay
PET cho biết, nợ xấu vẫn sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất trong hoạt động của Tổng công ty trong thời gian tới. Mảng kinh doanh thiết bị điện tử và viễn thông vẫn đang được PET rà soát để cấp phát lại hạn mức tín dụng với từng đại lý nhằm tránh rủi ro nợ xấu. Rủi ro tồn kho cũng là nỗi lo lớn của PET, nhất là khi sản phẩm công nghệ bị mất giá hoặc không bán được ra thị trường do lỗi thời. Việc chuyển sang phân phối điện thoại Samsung đã giúp tồn kho của PET giảm đáng kể. Tuy nhiên, với các sản phẩm khác, tồn kho vẫn là một rủi ro đáng kể.
Tổng tài sản của PET cuối năm 2015 là 5.145 tỷ đồng, giảm đến 10,8% so với năm 2014 (tài sản ngắn hạn chiếm đến 88%, trong đó tồn kho chiếm 25%) do lượng tiền mặt Tổng công ty nắm giữ giảm mạnh và hàng tồn kho cũng giảm 15%. Được biết, tổng nợ phải trả của PET cuối năm 2015 là khoảng 3.570 tỷ đồng, trong đó các khoản vay từ các tổ chức tín dụng là 1.864 tỷ đồng (hầu hết là các khoản vay ngắn hạn). So với năm 2014, khoản vay và nợ ngắn hạn giảm 777 tỷ đồng (tương đương giảm 29%) và chiếm tỷ trọng 36% tổng nguồn vốn. Hàng tồn kho giảm đáng kể đã giúp PET giảm nguồn vốn vay. Việc giảm tồn kho, qua đó giảm tỷ lệ vốn vay là giải pháp quan trọng để PET giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Để tập trung nguồn lực cho các kế hoạch khác hiệu quả hơn, PET đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sẵn sàng chuyển nhượng lại Dự án Khu phức hợp cao cấp Cape Pearl tại Thanh Đa (do PET góp vốn 51% cùng Tập đoàn SSG) khi có điều kiện thuận lợi.