Ảnh Internet |
Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ, bao gồm 14 nước thành viên, đã nâng dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế phát triển và mới nổi trong quý đầu tiên. OPEC kỳ vọng thế giới sẽ tiêu thụ 98,85 triệu thùng/ngày, tăng 1,65 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
OPEC nhận định các nhà sản xuất dầu ngoài nhóm sẽ cung cấp 59,62 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 1,72 triệu thùng/ngày so với năm 2017. Trong đó, sản lượng dầu của Mỹ sẽ chiếm 89% mức tăng trưởng. Theo OPEC, sản lượng dầu của các nước như Canada, Brazil, Anh và Kazakhstan cũng sẽ tăng cao.
Hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ đạt 10,7 triệu thùng/ngày, theo số liệu sơ bộ hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mỹ đang nhanh chóng bắt kịp Nga – nơi sản xuất khoảng 11 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu của OPEC tăng nhẹ 12.000 thùng/ngày trong tháng 4 lên đạt 31,93 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng trong sản lượng từ Saudi Arabia đã bù đắp cho sự sụt giảm từ Venezuela – nơi sản lượng giảm 42.000 thùng/ngày do khủng hoảng kinh tế kéo dài.
OPEC cùng với Nga và một số nhà sản xuất khác đã hạn chế sản lượng kể từ tháng 1/2017 nhằm hỗ trợ thị trường, ngăn chặn giá dầu sụt giảm. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày sẽ kết thúc vào cuối năm nay. OPEC sẽ thảo luận xem liệu có nên điều chỉnh các giới hạn sản xuất tại một cuộc họp vào tháng tới hay không.
Ngoài ra, OPEC cho biết dữ liệu gần đây ở các nước phát triển đã chỉ ra xu hướng tăng trưởng toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ở các nền kinh tế lớn trong tháng 4 hầu như không mấy khả quan. Theo OPEC, chính sách thương mại và trừng phạt của Mỹ cùng với những lo ngại về lãi suất tăng cao - đặc biệt tại Mỹ - có thể ảnh hưởng không tốt đến kinh tế toàn cầu.
“Cho đến nay, tác động đối với nền kinh tế toàn cầu là nhỏ và không đáng kể, song những mối lo ngại tiềm năng đang ngày một tăng lên”, OPEC cho biết.