Trong tuần này, OPEC thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức của các nước thành viên vào tháng 9 tới, bên lề Diễn đàn Năng lượng quốc tế tại Algeria, trong đó một số thành viên (đáng chú ý là Venezuela) đã lên tiếng kêu gọi thực thi một cơ chế định giá mới. Những đồn đoán về một thỏa thuận của OPEC tại cuộc họp tới là nhân tố kéo giá dầu tăng cao hơn trong vài phiên vừa qua, song đã giảm giá mạnh ngày 10/8 trước dữ liệu dự trữ dầu mỏ cao hơn của Mỹ và sản lượng “vàng đen” của Ả Rập Xê út tăng lên mức kỷ lục 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Greg Priddy, Giám đốc Trung tâm Năng lượng toàn cầu thuộc Eurasia Group nhận định: “Tôi không cho rằng chúng ta sẽ nhận được bất kỳ tín hiệu tích cực nào từ OPEC, đặc biệt là từ Ả Rập Xê út. Sự im lặng của họ đã nói lên tất cả”.
Ả Rập Xê út, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, sẽ là một phần trong bất kỳ thay đổi chiến lược nào của khối này. Quốc gia này chính là “kiến trúc sư” trưởng của chính sách để thị trường tự định giá và là nguyên nhân chính kéo giá dầu xuống đáy giai đoạn hồi đầu năm nay, khi nguồn cung vượt quá nhu cầu.
Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, OPEC đang cố nâng giá “vàng đen” thông qua các cuộc thảo luận sắp tới. Tuy nhiên, Ả Rập Xê út và Iran đang là trung tâm của bất đồng, khi họ từng ngăn chặn nỗ lực trước đó của OPEC nhằm đóng băng sản lượng hồi tháng 4 năm ngoái, đồng thời cả hai được coi là “chìa khóa” để tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.
Bản thân Ả Rập Xê út cho biết, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ giới hạn sản lượng nào, trừ khi các nhà sản xuất khác cũng đồng ý. Trong khi đó, Iran thì từ chối hạn chế sản lượng, bởi lẽ nước này đang trong quá trình trở lại thị trường “vàng đen” sau giai đoạn các biện pháp trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết, sản lượng dầu mỏ của nước này đã cán mốc 3,85 triệu thùng/ngày. Đây thực sự là một con số bất ngờ khi trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, Tehran chỉ có thể đạt được ngưỡng này ít nhất cho tới năm 2017.
Về phần mình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang nỗ lực thuyết phục Quốc vương Ả Rập Xê út về kịch bản nâng giá dầu, đồng thời tiếp cận người đứng đầu các quốc gia thành viên khác trong OPEC về khả năng tương tự.
Venezuela đang gặp những khó khăn rất lớn về kinh tế và chính trị, tác động nghiêm trọng tới sản lượng dầu mỏ của nước này. Giá dầu thấp cũng khiến Caracas không có khả năng duy trì hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Trước tình hình này, Tổng thống Maduro kêu gọi OPEC nên cố gắng đưa giá dầu quay trở lại ngưỡng 70 USD/thùng.
Giám đốc Priddy tin rằng, thị trường dầu mỏ dẫu sao vẫn đang tiến gần tới giai đoạn tái cân bằng. Trong báo cáo mới công bố của mình, OPEC dự báo, nhu cầu “vàng đen” toàn cầu sẽ tăng thêm 1,22 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 30.000 thùng so với dự báo đưa ra hồi tháng 7. Trong khi đó, sản lượng của các nước ngoài OPEC có thể giảm xuống mức 55,9 triệu thùng/ngày năm 2017.
Trong bối cảnh Ả Rập Xê út và Iran vẫn đang tăng sản lượng, thì ở chiều ngược lại, sản lượng dầu mỏ của Mỹ giữ ổn định ở mức 8,4 triệu thùng/ngày tuần trước, ít hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức tương ứng cùng kỳ năm 2015. Mỹ và Mexico chính là hai nhà đóng góp lớn nhất cho sự cắt giảm sản lượng nói chung, qua đó giúp thị trường tái cân bằng hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, sản lượng dầu mỏ của Mỹ có thể tăng trở lại khi các nhà máy lọc dầu ở nước này hoàn tất giai đoạn bảo dưỡng định kỳ từ tháng 8 đến tháng 10.
Chuyên gia năng lượng John Kilduff tại Asian Capital nhận định: “Giá dầu khi đó sẽ thấp trở lại, có thể xuống dưới 40 USD/thùng và tình trạng dư thừa nguồn cung có thể lại hiện hữu. Vì thế, OPEC cần phải làm gì đó tại cuộc họp sắp tới của nhóm này”.