OPEC+ bất ngờ không nâng sản lượng, giá dầu vọt lên cao nhất từ 2019

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/3), với giá dầu WTI đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ năm 2019...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/3), với giá dầu WTI đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ năm 2019, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh tuyên bố duy trì mức hạn chế sản lượng hiện tại cho tới cuối tháng 4.

Trong cuộc họp chính sách sản lượng diễn ra ở Vienna, Áo, liên minh được biết đến với tên gọi OPEC+ nhất trí "duy trì mức sản lượng của tháng 3 trong tháng 4" - trang MarketWatch cho hay. Tuy nhiên, Nga và Kazahstan sẽ được phép nâng sản lượng khai thác dầu thêm một lượng nhỏ tương ứng là 130.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày "do xu hướng tiêu thụ dầu có tính mùa vụ".

Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, cũng gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày - lẽ ra hết hạn vào cuối tháng 3 - sang tháng 4.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp toàn liên minh, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói nước này sẽ "thu hẹp dần" mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày nói trên. "Chúng tôi không nhanh, chúng tôi không nguy hiểm. Chúng tôi cẩn trọng", ông nói.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 4 tăng 2,55 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, chốt ở 63,83 USD/thùng. Đây là mức giá chốt cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 30/4/2019, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 2,67 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, đạt 66,74 USD/thùng - cao nhất kể từ ngày 25/2.

Nhu cầu dầu trong ngắn hạn là "rất khó để dự báo, nên cũng khó để nói OPEC+ đưa ra quyết định đúng đắn hay không", ông Alissa Corcoran, Giám đốc nghiên cứu thuộc Kopernik Global Investors, phát biểu. "Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng do nguồn cung bị thắt chặt, các nước sản xuất dầu khác có thể lấp chỗ trống".

Giá dầu thế giới đã tăng khá mạnh trong phiên ngày thứ Tư, một phần do hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng OPEC+ có thể duy trì mức hạn chế sản lượng hiện tại đến hết tháng 4. Trước đó, giá dầu có mấy phiên giảm liên tục vì thị trường kỳ vọng OPEC+ nâng sản lượng.

Với quyết định sản lượng đưa ra ngày thứ Năm, OPEC+ thể hiện rõ quan điểm thận trọng đối với sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu - Phó chủ tịch Ann-Louise Hittle thuộc Wood Mackenzie nhận định. "Tuy nhiên, đợi đến lúc có dấu hiệu chắc chắn về sự sụt giảm của lượng dầu tồn kho, thì có lẽ giá dầu đã tăng thêm nhiều rồi", bà Hittle nói.

Wood Mackenzie dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 6,3 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và giá dầu Brent sẽ tăng lên vùng 70-75 USD/thùng trong tháng 4 nếu OPEC+ không đưa ra một quyết định tăng sản lượng trong tháng đó.

Sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, OPEC+ đã thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu, sau đó thu hẹp mức cắt giảm còn 7,7 triệu thùng/ngày, và gần đây hơn rút mức cắt giảm về 7,2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Saudi Arabia mới đây còn tự nguyện giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã đưa giá dầu thế giới phục hồi mạnh sau khi tụt dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4 năm ngoái. Gần đây, giá dầu còn được hỗ trợ bởi tiến trình triển khai vaccine Covid-19 và lạc quan vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, đạt mức 96,4 triệu thùng/ngày, hồi 60% cú giảm trong đại dịch. IEA cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng mạnh trong nửa sau của năm nay nếu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid tiếp tục được đẩy nhanh.

Chuyên đề