“Ông lớn” ngành nhựa thận trọng mục tiêu lợi nhuận 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với sự gia tăng của giá dầu, những doanh nghiệp đầu ngành nhựa như Công ty CP Nhựa Bình Minh hay Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (gọi tắt là Nhựa Tiền Phong) đưa ra mục tiêu kinh doanh hết sức thận trọng cho năm 2021.
Công ty CP Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 523 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 523 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Mục tiêu lợi nhuận đi ngang, thậm chí giảm

Năm 2021, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2020, Công ty kỳ vọng doanh thu tăng 11% nhưng lợi nhuận sau thuế đi ngang.

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sức ép lợi nhuận năm 2021 của Nhựa Bình Minh đến từ giá nguyên vật liệu tăng. Giá bột nhựa PVC trung bình 2 tháng đầu năm 2021 lên tới 1.085 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự đứt gãy nguồn cung do Covid-19 nhiều khả năng sẽ giữ giá bột nhựa PVC trên mức 1.000 USD/tấn trong năm nay. Tại mức giá nguyên liệu này, Nhựa Bình Minh sẽ không có nhiều dư địa để cải thiện hiệu quả hoạt động. VDSC dự phóng biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của Nhựa Bình Minh trong năm 2021 đạt lần lượt là 24,3% và 9%, thấp hơn 2,3 và 2,2 điểm phần trăm so với năm 2020.

Đối với Nhựa Tiền Phong, Công ty đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 10% so với năm 2020, lên 100 nghìn tấn. Doanh thu cũng dự kiến tăng trưởng 9% lên 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại dự kiến giảm 17,4% xuống còn 432 tỷ đồng.

Lý giải về các con số mục tiêu, Nhựa Tiền Phong cho biết, với tình hình giá nguyên liệu nhựa PVC, PPR tăng cao như hiện nay và chưa có xu hướng giảm, trong khi giá bán sản phẩm chưa tăng kịp theo giá đầu vào do các yếu tố khách hàng, cạnh tranh, sự chấp nhận của người tiêu dùng…, việc bảo đảm mục tiêu lợi nhuận 432 tỷ đồng trong năm 2021 là một việc khó khăn. Nhựa Tiền Phong cho biết sẽ điều chỉnh giá bán sản phẩm phù hợp trong thời gian tới.

Có thể thấy sau năm 2020 ghi nhận tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, cả 2 doanh nghiệp nhựa đầu ngành đều tính toán thận trọng về tình hình kinh doanh năm 2021.

Sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng

Sau khi tạo đáy vào quý II/2020, giá dầu hồi phục trở lại và quá trình tăng mạnh bắt đầu từ năm 2021. Trong quý I/2021, giá dầu thô WTI đã có những lúc lên đến 65 USD/thùng, còn giá dầu Brent lên đến 68 USD/thùng.

Giá dầu tăng trở lại rõ ràng không phải tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp ngành nhựa. Bởi lẽ, các doanh nghiệp ngành này sử dụng nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa, trong khi hạt nhựa được sản xuất từ dầu thông qua quá trình chiết xuất các chất trung gian như Naphtha, Ethylene, Propylene... Điều này phản ánh mối quan hệ cùng chiều giữa giá dầu và chi phí sản xuất, do đó tác động nghịch chiều tới lợi nhuận của các doanh nghiệp nhựa.

Nhựa Tiền Phong cho biết, hiện giá một số loại nguyên vật liệu chính như bột nhựa PVC đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm thấp nhất là tháng 4/2020 và tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân năm 2020 (1.600 USD/tấn thời điểm tháng 3/2021 - mức cao nhất từ trước đến nay). Giá hạt nhựa PPR cũng tăng hơn 30% so với mức bình quân năm 2020.

Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá, ngành nhựa trong năm 2021 kém khả quan hơn năm 2020 do giá nguyên liệu nhựa trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 dự báo duy trì ở mức cao hơn từ 15 - 24% so với cùng kỳ năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đồng thời, nguồn cung nguyên liệu trong nước không được cải thiện do Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn chậm tiến độ và không thể đi vào hoạt động trong năm 2021.

Chuyên đề