Ông Biden tiêm phòng Covid-19 để chứng minh vaccine an toàn

0:00 / 0:00
0:00

Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden ngày 21/12 đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, trong sự kiện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình...

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngày 21/12 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngày 21/12 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden ngày 21/12 đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, trong sự kiện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, nhằm củng cố niềm tin của công chúng về sự an toàn của vaccine này.

Theo tin từ Reuters, ông Biden tuyên bố sẽ đưa cuộc chiến chống Covid-19 trở thành ưu tiên cao nhất sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1. Ở tuổi 78, ông Biden thuộc nhóm nguy cơ cao về lây nhiễm Covid-19.

Những thách thức lớn nhất mà ông Biden phải đối mặt khi tiếp quản cuộc chiến chống đại dịch từ chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump là trở ngại về hậu cần trong việc phân phối vaccine tới hàng trăm triệu người dân Mỹ, cũng như thuyết phục những người dân còn chưa an tâm vì nghi ngờ rằng vaccine được bào chế quá nhanh bởi lý do chính trị nào đó.

Xắn cao tay áo, ông Biden nhận mũi tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine của hãng Pfizer tại bệnh viện Christiana ở Newark, bang Delaware trước sự chứng kiến của các phóng viên. Những hình ảnh này đã được các kênh truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp. Sau khi tiêm, ông Biden ca ngợi các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19, gọi họ là "những vị anh hùng".

"Tôi làm việc này để chứng minh rằng mọi người cần chuẩn bị sẵn sàng để tiêm vaccine ngay khi có thể. Không có gì đáng lo ngại cả", ông Biden nói. Phu nhân ông Biden, bà Jill Biden, đã tiêm phòng Covid-19 trước đó cùng ngày và đứng cạnh chồng khi ông được tiêm.

Tổng thống đắc cử thừa nhận rằng sẽ mất thời gian để vaccine được triển khai và mọi người nên tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia y tế, cũng như hạn chế đi lại trong kỳ nghỉ lễ nếu có thể. Đội tiếp quản quyền lực của ông Biden cho biết Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris có thể sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tuần tới.

Trong nỗ lực hạn chế tác động kinh tế của đại dịch, Quốc hội Mỹ đã nhất trí một gói kích cầu mới trị giá 900 tỷ USD. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ được hai viện Quốc hội chính thức phê chuẩn trong ngày thứ Hai (22/12).

Đến nay, đã có hơn 17,5 triệu người ở Mỹ nhiễm Covid-19, trong đó có 315.000 ca tử vong.

Tại một số khu vực của bang Califoria, các giường bệnh chăm sóc đặc biệt đều đã kín bệnh nhân do số lượng người nhập viện vì Covid-19 quá lớn. Các bệnh viện ở California, tiểu bang đông dân nhất Mỹ, đang rơi vào tình trạng quá tải.

Theo số liệu từ Reuters, số người chết ở Mỹ vì Covid-19 trong những tuần gần đây liên tục tăng. Trong 7 ngày gần nhất, bình quân có 2.627 ca tử vong mỗi ngày.

Giới phân tích dự báo số người chết vì Covid-19 ở Mỹ sẽ lập đỉnh vào tháng 1, và đến đầu tháng 4, tổng số ca tử vong vì bệnh này ở Mỹ sẽ lên tới 562.000 người.

Vào ngày 21/12, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở Mỹ là 113.400 người, gần mức cao kỷ lục 114.200 người thiết lập hôm thứ Sáu tuần trước.

Chuyên đề