Ổn định vĩ mô để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cần xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện, cả tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Phiên họp của Chính phủ ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,75%.
Việc nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ góp phần giảm bớt áp lực và khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Việc nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ góp phần giảm bớt áp lực và khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Nhất quán mục tiêu điều hành

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc Mỹ và các nước tăng lãi suất mạnh, đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua - tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: đồng Euro giảm 11,8%, Bảng Anh giảm 15,5%, Yên Nhật giảm 24,3%…

Trong bối cảnh này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm tiếp tục tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đây là những ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài được Chính phủ hướng trọng tâm điều hành trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, cũng như từ đầu năm 2022. Ngày 28/7, ngay sau khi FED nâng lãi suất thêm 0,75% lần thứ 2 trong năm, Thủ tướng đã chủ trì họp Chính phủ, chỉ đạo ngay các giải pháp ứng phó, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sau đó, 2 hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế về các giải pháp thực hiện ưu tiên này diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Ngày 16/9/2022, Chỉ thị số 15/CT-TTg được ban hành, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Thách thức kiểm soát lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Bà Hồng cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định", mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra; nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam đến nay vẫn duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, áp lực và khó khăn, thách thức nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngày càng gia tăng. Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ và các nước lớn tạo nhiều áp lực lên chính sách tiền tệ, nên cần đặt trọng tâm vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thời gian tới cần chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn.

Theo Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần dựa vào chính sách tài khóa, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Trong những tháng cuối năm 2022, cần tập trung triển khai, giải ngân hết số vốn của các chính sách đã ban hành; nghiên cứu, đề xuất kịp thời chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp mạnh hơn, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi lại dễ dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô. Cần theo đuổi chính sách tài khóa nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022 - 2023, tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Do đó, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là cần tập trung vào cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Chuyên đề