Với đơn hàng có số lượng hàng ngàn trang thiết bị nội thất, đồ gỗ, việc yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn thực sự bắt bí nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Định mức đồng loạt… 20 ngày?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, bất kể quy mô gói thầu, số lượng hàng hóa, địa bàn bàn giao… phức tạp hay đơn giản, các bên mời thầu gần như rất ưa chuộng con số 20 ngày. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ mua sắm hàng hóa đến thiết bị, từ hàng lắp ráp đến hàng tự sản xuất đều được ấn định con số 20 ngày thực hiện hợp đồng.
Theo HSMT một gói thầu tại Đắk Nông, khối lượng hàng hóa cần được cung cấp là khá lớn, gồm 1.488 bộ bàn ghế học sinh; 65 bộ bàn ghế giáo viên và bàn đọc sách; 30 cái bảng chống lóa và 21 cái tủ các loại, giao cho các trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, thời gian thực hiện hợp đồng chỉ có 20 ngày. Các nhà thầu cho rằng, khoảng thời gian ngắn ngủi này hoàn toàn không đủ cho việc sản xuất đúng chất lượng và kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị sử dụng.
Hàng loạt gói thầu mua sắm tại tỉnh Tiền Giang cũng đang đưa yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng chỉ 20 ngày. Đó là Gói thầu Trang bị máy vi tính cho các xã huyện Cai Lậy; Gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường trên địa bàn thị xã Cai Lậy (trang bị 362 bộ máy vi tính để bàn, 220 bộ máy tính xách tay và nhiều thiết bị phòng học bộ môn cho 23 trường THCS trên địa bàn).
Theo tính toán của các nhà thầu, với khối lượng hàng hóa khá lớn, lại có nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, tiến độ cung cấp, bàn giao thực sự là bài toán nan giải nếu HSMT quy định thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn, đặc biệt với các gói thầu có hàng hóa là những mặt hàng tự sản xuất như bàn ghế.
“Không hiểu sao rất nhiều HSMT hiện nay lại chọn thời gian thực hiện hợp đồng chỉ 20 ngày? Đây là điểm “bắt chết” các nhà thầu cạnh tranh thực sự. Bởi với đơn hàng có số lượng hàng ngàn trang thiết bị nội thất, đồ gỗ thì riêng khâu sản xuất đã buộc nhà thầu phải tổ chức tăng ca vào ban đêm để kịp hoàn thành, chưa kể thời gian vận chuyển, bàn giao...”, một nhà thầu tại TP.HCM phản ánh.
Một nhà thầu tại Long An chia sẻ, các gói thầu “ngắn ngày” này đều có yêu cầu khác biệt về số lượng, kích thước, màu sắc cũng như cấu trúc sản phẩm. Do đó, mỗi đơn hàng đều buộc thực hiện theo quy trình riêng. Dù HSMT yêu cầu thực hiện trong 20 ngày, nhưng nhà thầu tăng tốc cũng chỉ có thể thực hiện được trong vòng 50 đến 60 ngày.
“Mướt mồ hôi” khi thực hiện công đoạn bàn giao, hướng dẫn sử dụng, một nhà thầu tại Bến Tre trúng gói thầu cung cấp 178 máy scan cho các xã của Tỉnh khẳng định: “Không bao giờ có sự cạnh tranh thực sự với những gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng oái oăm như vậy”.
Vì sao chuyển áp lực thời gian cho nhà thầu?
Ngoài khung thời gian thực hiện hợp đồng 20 ngày, có những gói thầu còn làm khó nhà thầu hơn nữa khi yêu cầu thời gian thực hiện chỉ 10 ngày như Gói thầu Mua sắm máy vi tính trang bị cho các xã, thị trấn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu quy định, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, yêu cầu về thời gian thực hiện hợp đồng phải dựa vào quy mô, tính chất của gói thầu. Chưa kể, các yếu tố như phạm vi bàn giao hàng hóa đối với các gói thầu mua sắm tập trung hiện nay thường rất rộng, bao quát địa bàn của một tỉnh hoặc huyện. Do đó, khi lập HSMT, cần nhất có những tính toán hợp lý để đảm bảo khả năng thực hiện cho nhà thầu. Điều này sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh giữa các nhà thầu. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ thực hiện hợp đồng lại được các bên liên quan tính toán dựa trên sự gấp rút về thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu, nếu không sẽ bị cắt vốn. Đây là những thủ tục hoàn toàn do chủ đầu tư, bên mời thầu và các bên liên quan chịu trách nhiệm thực hiện, nhưng cuối cùng lại đổ áp lực lên nhà thầu.
Một nguyên nhân nữa gây nên hiện tượng này chính là việc hạn chế các nhà thầu “lạ”, hợp thức hóa cho các nhà thầu “ruột” đã làm trước. Thậm chí, có nhiều trường hợp phát hiện có dấu hiệu cho thấy gói thầu đã được thực hiện, việc tổ chức đấu thầu, phát hành HSMT… chỉ là hình thức. Phóng viên Báo Đấu thầu khi nhập cuộc xác minh việc không bán HSMT tại một số gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng theo yêu cầu 20 ngày, chính hiệu trưởng nhà trường khẳng định “máy tính đã được nhập vào kho, nhà trường không tiếp nhà thầu nào đến nữa”.
Yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn đối với những gói thầu có số lượng hàng hóa lớn, phạm vi cung cấp rộng đang đi ngược lại tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu được cạnh tranh công bằng mà Luật Đấu thầu xây dựng.