Đến với sản phẩm du lịch sông nước Cần Thơ, du khách có cơ hội khám phá những giá trị tiêu biểu nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Ảnh: Trần Minh Lương |
Xin bà chia sẻ về tham vọng và giải pháp biến Cần Thơ thành điểm lõi của du lịch nhìn từ thế mạnh đặc biệt là văn hóa sông nước?
Là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế về hệ thống sông ngòi chằng chịt và các vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả quanh năm, đặc biệt là nền văn hóa sông nước đặc sắc, ẩm thực dân gian phong phú, TP. Cần Thơ đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sông nước đặc trưng miệt vườn nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng đất Tây Đô.
Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, yếu tố tự nhiên, TP. Cần Thơ còn có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không. Để phát huy các thế mạnh, tiềm năng, ngành du lịch Thành phố định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng mở hướng đi cho du lịch đường sông.
Bà Đào Thị Thanh Thúy Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ |
Du lịch sông nước được xác định là một trong hai sản phẩm đặc thù, chủ lực của du lịch Cần Thơ. Việc khai thác thế mạnh sông nước, đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng, kết hợp bảo tồn giá trị các di tích văn hóa, lịch sử là hướng đi chính của Thành phố. Nổi tiếng với thương hiệu chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ định hướng phát triển loại hình du lịch đường sông theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng trải nghiệm đời sống thương hồ tại các chợ nổi này. Đây sẽ là điểm nhấn góp phần định vị sản phẩm du lịch của Thành phố trong tương lai.
Đến với sản phẩm du lịch sông nước Cần Thơ, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá những giá trị tiêu biểu nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng: cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông, nét sinh hoạt sông nước truyền thống mà tiêu biểu là chợ nổi gắn với cảnh quan sông nước lồng trong không gian văn hóa đờn ca tài tử đậm chất Nam Bộ. Bên cạnh đó, việc tận dụng lợi thế đường sông dọc sông Hậu và sông Cần Thơ, cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), Cồn Sơn (quận Bình Thủy) để phát triển du lịch sông nước cũng được Thành phố chú trọng.
Hiện nay, lực lượng tàu du lịch trên địa bàn Thành phố đa dạng về số lượng và chủng loại, từ các tàu, thuyền 15 - 45 chỗ phục vụ vận chuyển, ăn uống cho khách du lịch đến các du thuyền có sức chứa 100 - 200 khách, có hệ thống phòng nghỉ lưu trú, nhà hàng quy mô lớn.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. Cần Thơ giai đoạn đến năm 2030 xác định thế mạnh là du lịch sông nước, nơi hội tụ của “văn minh sông nước Mê Kông”. Với lợi thế về tuyến đường sông dài, Cần Thơ đang tận dụng điều kiện tự nhiên phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch sông nước. Sự ra đời của các tuyến đường sông hấp dẫn như Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia)… đã góp phần thu hút khách du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Cần Thơ.
Hệ sinh thái miệt vườn cũng được Cần Thơ đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, định hướng phát triển của Thành phố trong thời gian tới là gì, thưa bà?
Với lợi thế về diện tích đất nông nghiệp và những vườn cây ăn trái được phù sa sông Hậu bồi đắp, du lịch sinh thái miệt vườn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển tại Cần Thơ, góp phần tăng thu nhập cho người lao động nông thôn; đồng thời, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, gia tăng các trải nghiệm tích cực của du khách, từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch Cần Thơ.
Bên cạnh loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ đang phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao nhằm kéo dài chuyến đi của du khách. Theo định hướng giai đoạn 2021 - 2025, du lịch nông nghiệp tại Cần Thơ có thể phát triển dựa trên các điểm nhà vườn, các cơ sở kinh doanh đã hình thành... Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030, các nông trại quy mô lớn sẽ được hình thành, mở rộng dần đến các vùng ven như xã Trường Long, xã Tân Thới (huyện Phong Điền), và các huyện xa nội thành như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Đồng thời, hình thành các farmstay song song với loại hình lưu trú homestay vốn đã rất quen thuộc với khách du lịch.
Hai mô hình du lịch nông nghiệp được chọn triển khai theo Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp TP. Cần Thơ từ 2021 - 2025, tầm nhìn 2030” gồm: mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và lưu trú. Hai địa điểm được đề xuất xây dựng thí điểm là Nông trại sạch Can Tho Farm (dành cho khách tham quan trong ngày: du khách vừa dễ dàng lựa chọn các loại rau, củ sạch tại quầy vừa có thể tự tay thu hoạch rau quả tại vườn); và Bảo Gia Trang Viên (dành cho khách tham quan và lưu trú dài hơn, có nhiều hoạt động trải nghiệm như workshop sáng tạo, tham quan làng nghề, thử thách đi chợ, trải nghiệm nông trại…).
Đội tàu du lịch trên địa bàn TP. Cần Thơ đa dạng về số lượng và chủng loại |
Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ đến năm 2030, du lịch là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Bà có thể chia sẻ rõ nét hơn về mục tiêu này? Cần Thơ sẽ chú trọng cách làm du lịch nào để hiện thực hóa mục tiêu?
UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu của Đề án là khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên nông nghiệp, hướng dẫn các hoạt động triển khai cụ thể giúp nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành du lịch.
Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% điểm du lịch nông nghiệp được số hóa, 100% điểm đến du lịch nông nghiệp được giới thiệu, quảng bá; 70% lực lượng lao động du lịch nông nghiệp được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng sáng tạo phục vụ khách du lịch… Dự kiến đến năm 2025, Cần Thơ sẽ thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách tham quan du lịch nông nghiệp, doanh thu khoảng 910 tỷ đồng; đến năm 2030 thu hút 2,4 triệu lượt khách và đạt doanh thu 1.920 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu, Cần Thơ đã xây dựng Kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp TP. Cần Thơ; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có kiến thức sâu rộng về văn hóa bản địa, về nông nghiệp và có khả năng thuyết minh nhiều thứ tiếng; tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức, vận hành, quản lý và phát triển mô hình vườn du lịch nông nghiệp bền vững cho chủ nhà vườn và người lao động. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình vườn du lịch nông nghiệp kiểu mẫu phục vụ khách tham quan và lưu trú, trong đó chú trọng khai thác chiều sâu văn hóa của nền nông nghiệp bản địa đặc thù, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị sinh thái của Thành phố; thiết kế tour, tuyến, cụm du lịch kết nối với vườn du lịch nông nghiệp, đảm bảo tính liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch; kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch theo quy định, đặc biệt là các sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp; ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp và các sự kiện văn hóa du lịch của Thành phố...
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương có tiềm năng thông qua tham gia các cụm hợp tác như: Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã và sẽ được triển khai bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm.