“Nội soi” ABBank trước giờ lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 28/12, hơn 571 triệu cổ phiếu ABB của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 15.000 đồng. Sự hưng phấn của thị trường chứng khoán và kết quả tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu ABBank. Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề mà các nhà đầu tư vào ABB cần quan tâm.
Trước khi đưa cổ phiếu lên sàn, ABBank vừa có kỳ kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 945 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2019
Trước khi đưa cổ phiếu lên sàn, ABBank vừa có kỳ kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 945 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2019

Thời gian vừa qua, một loạt các ngân hàng thương mại đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Một phần nhằm đáp ứng yêu cầu Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, sự hưng phấn của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua cũng là yếu tố thuận lợi giúp cổ phiếu được định giá cao hơn, qua đó mở ra thời cơ huy động vốn từ thị trường này.

Trước khi đưa cổ phiếu lên sàn, ABBank vừa trải qua kỳ kinh doanh tích cực. Kết thúc 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ABBank tăng trưởng 5,67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.050 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, mảng này mang về khoản lợi nhuận 1.699 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng chính của ABBank đến từ các hoạt động phi tín dụng. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ của ABBank trong 9 tháng tăng 24,7% đạt 139 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 147% đạt 342 tỷ đồng. Kết quả, tổng thu nhập hoạt động phi tín dụng của Ngân hàng đạt 2.578 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm của Ngân hàng giảm nhẹ 1% còn 1.229 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro của ABBank cũng giảm 1,5% xuống 402,7 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt 945 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, diễn biến cùng chiều với lợi nhuận, nợ xấu của nhà băng này cũng có dấu hiệu đi lên.

Theo bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, tính đến cuối quý III/2020, tỷ lệ nợ xấu ABBank tăng lên mức 2,77%. Trong khi cuối năm 2019 là 2,31% và cuối năm 2018 là 1,89%. Trong tổng nợ xấu tính đến cuối quý III/2020, nợ nhóm 3 tăng từ mức 292 tỷ đồng lên 563 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng nhẹ 0,47% lên 425 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng từ 597 tỷ đồng lên 645 tỷ đồng (tương đương 8%).

Đáng chú ý, số trái phiếu đặc biệt VAMC mà ABBank đang duy trì là 1.430 tỷ đồng, tăng so với 1.089 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm. Nếu cộng cả nợ xấu đang tồn đọng tại VAMC và nợ xấu hiện thời thì con số nợ xấu của ABBank tính đến cuối quý III/2020 là 5,07%.

Bên cạnh đó, khoản mục tài sản có khác của ABBank cuối quý III/2020 ở mức 1.405 tỷ đồng và không được thuyết minh chi tiết. Quay trở lại Báo cáo tài chính quý II/2020, chiếm tỷ trọng lớn trong mục này là tài sản gán nợ chờ xử lý, thể hiện các tài sản nhận gán nợ từ các khách hàng vay quá hạn và đang được Ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trị giá 567,7 tỷ đồng. Nếu không thể thu hồi thì đây cũng là tiềm ẩn nợ xấu cho ABBank trong thời gian tới.

Việc nợ xấu tồn đọng tại VAMC đồng nghĩa ABBank sẽ phải thực hiện trích lập lập dự phòng rủi ro 20% cho số nợ này hàng năm. Ngoài ra, Ngân hàng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông nếu còn nợ xấu bán cho VAMC.

Tại ngày 30/10/2020, ABBank có 3 cổ đông lớn gồm Tập đoàn Geleximco - CTCP (Geleximco), Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Trong đó, Geleximco nắm giữ hơn 74 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu gần 13% vốn điều lệ ABBank. Hai cổ đông nước ngoài là Maybank và IFC lần lượt sở hữu 114 triệu cổ phần (20%) và 57 triệu cổ phần (10%).

Chuyên đề