Nợ lương người lao động, PECC1 làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận công văn của Công ty Luật TNHH Hiệp Thành thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phản ánh về việc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, nợ lương người lao động. Đây là một trong những dấu hiệu tước đi tư cách hợp lệ của bất kỳ nhà thầu nào khi tham gia đấu thầu.
Tài trợ lớn cho Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, dư nợ vay của PECC1 phình to dần dẫn đến mất cơ cấu tài chính an toàn nhiều năm nay. Ảnh: Đức Hoàng
Tài trợ lớn cho Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, dư nợ vay của PECC1 phình to dần dẫn đến mất cơ cấu tài chính an toàn nhiều năm nay. Ảnh: Đức Hoàng

Nợ lương người lao động, kiện tụng kéo dài

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành phản ánh, đã nhận được đơn mời luật sư của các cá nhân nguyên là người lao động (sau đây gọi tắt là người lao động) của PECC1 đề nghị tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong việc yêu cầu PECC1 chi trả tiền lương còn nợ và các nghĩa vụ tài chính khác khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định pháp luật.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, PECC1 đã thanh lý HĐLĐ với rất nhiều cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, PECC1 vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ khi chấm dứt HĐLĐ. Số lượng người lao động mà PECC1 đang nợ lương là rất lớn (trong đó, danh sách ký vào đơn mời luật sư gồm 41 người).

Trước đó, vào tháng 8/2020, một nhóm người lao động khác (khoảng 50 người) đã có đơn thư yêu cầu Công ty Luật TNHH Hiệp Thành có bước can thiệp tố tụng với lý do tương tự. PECC1 sau đó đã có văn bản xác nhận chốt nợ lương đối với nhóm lao động này. Tuy nhiên cho đến nay, PECC1 vẫn “chây ì” nghĩa vụ đã cam kết. Lý do PECC1 đưa ra là vướng mắc trong việc xác nhận lại danh sách, thủ tục, sau khi có sự thay đổi về nhân sự trong Ban lãnh đạo vào đầu năm nay.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho biết, theo quy định của Luật Phá sản, một trong những điều kiện dẫn tới việc doanh nghiệp bị coi là lâm vào tình trạng phá sản là chủ nợ đã yêu cầu thanh toán, nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Mặt khác, pháp luật về đấu thầu quy định, nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ 8 điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu, trong đó bao hàm điều kiện không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật. “Như vậy, PECC1 đang có dấu hiệu không đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu khi tham gia đấu thầu theo quy định pháp luật”, vị luật sư này khẳng định.

Thông tin thêm, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho biết, đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP. Hà Nội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vào cuộc thanh tra các vấn đề liên quan đến phản ánh trên. Ngoài ra, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện vụ án lao động, cùng với hồ sơ đề nghị tuyên phá sản đối với PECC1.

Liên tiếp trúng thầu

Thay vì tập trung vào lĩnh vực truyền thống là tư vấn xây dựng điện, PECC1 đã lấn sân sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng khi năm 2013, Công ty đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5.

Với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, PECC1 đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/2009/SB5-HĐTD ngày 14/8/2009 với VietinBank, hạn mức tín dụng 900 tỷ đồng để tài trợ cho dự án này. Thời hạn cho vay là 13 năm kể từ ngày giải ngân.

Tài trợ lớn cho nhà máy điện, dư nợ vay của PECC1 phình to dần và dẫn đến mất cơ cấu tài chính an toàn nhiều năm nay. Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng dư nợ vay dài hạn và ngắn hạn của PECC1 là 826,3 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu (280 tỷ đồng).

Để giảm bớt gánh nặng nợ vay, PECC1 đã nhiều lần rao bán Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 kể từ đầu năm 2019 nhưng đến nay chưa thể thực hiện được. Vay nợ nhiều, đặc biệt là trong khoảng thời gian lãi suất cao, đã làm phát sinh các khoản chi phí lãi vay lớn, khiến hiệu quả kinh doanh của PECC1 ngày càng đi xuống.

Cùng với kế hoạch chuyển nhượng Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, PECC1 cũng thực hiện giảm giá khi dự thầu các gói thầu tư vấn, khảo sát, thiết kế thuộc lĩnh vực, ngành nghề truyền thống và lĩnh vực mới, tiềm năng nhằm đảm bảo doanh thu.

Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, PECC1 được lựa chọn trúng 53 gói thầu. Trong đó, lớn nhất là Gói thầu TV8-QT1 Tư vấn hỗ trợ quản lý hợp đồng EPC và một số hạng mục thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (trúng thầu giữa tháng 7/2021, giá trúng thầu 231 tỷ đồng).

Tại Ban Quản lý dự án truyền tải điện - Chi nhánh Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, PECC1 được lựa chọn thực hiện 11 gói thầu kể từ đầu năm đến nay với tổng giá trị hợp đồng khoảng 49 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc bên mời thầu này cho biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của PECC1, Ban không phát hiện dấu hiệu về việc nhà thầu này không đủ tư cách hợp lệ, hay nắm bắt được các thông tin “bên lề” kể trên. “PECC1 là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tư vấn trong lĩnh vực điện lực, đó là một yếu tố minh chứng năng lực của nhà thầu này”, vị cán bộ trên đánh giá.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, PECC1 cũng được chỉ định thực hiện một số gói thầu do Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, Công ty Thủy điện Sông Bung… mời thầu.

Chuyên đề