Nỗ lực thúc tăng trưởng xuất khẩu

(BĐT) - Mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn với diễn biến suy giảm mạnh cả về cung và cầu trên thị trường, song kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục giữ xu hướng tăng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng, dù mức tăng trưởng còn thấp so với mục tiêu đã đề ra.

Xuất khẩu liên tục tăng trưởng

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2016 đạt gần 191,73 tỷ USD, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 7 tháng đạt hơn 96,99 tỷ USD, tăng 5,4%, tương ứng tăng hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 94,74 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD).

Nhìn vào số liệu thống kê các tháng đầu năm, có thể thấy một xu hướng khá rõ là xuất khẩu vẫn liên tục duy trì tăng trưởng dù ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra và đây là một trong những yếu tố góp phần giữ vững xu thế xuất siêu trong nửa đầu năm.

Phân tích của Bộ Công Thương cho thấy, nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm mạnh, trong đó mức giảm 6 tháng đầu năm vào khoảng 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 10,1%, mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước song là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016. Điều này cho thấy, cũng như nhiều nước trong khu vực, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng suy giảm rất lớn từ xu thế giảm giá của thị trường thế giới liên tục từ năm 2015 trở lại đây.

Thị trường xuất nhập khẩu tiếp tục giữ vững

Một yếu tố hết sức quan trọng khác đó là cơ cấu thị trường xuất khẩu vẫn duy trì khá ổn định với các thị trường lớn giữ vững tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng KNXK 6 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 12,8%, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng KNXK cả nước, cao hơn tỷ lệ 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU: tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 19,8% tổng KNXK (cùng kỳ năm trước chiếm 19%); thị trường Trung Quốc tăng 14,3%, cao hơn mức tăng 13,6% của cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,1%. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong 2 quý cuối năm sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để khai thác tối đa các lợi thế nhằm thúc đẩy xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm truyền thống và những thị trường mới có tiềm năng.
Đặc biệt, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một hiện tượng nổi lên trong cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đó là thị trường Hàn Quốc. Theo CIEM, trong các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, Hàn Quốc là nguồn duy nhất có tăng trưởng nhập khẩu dương trong 6 tháng đầu năm. “Trên thực tế, Hàn Quốc đang trở thành đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Việt Nam, đặc biệt là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực”, đại diện CIEM nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của CIEM, tỷ trọng của Hàn Quốc trong tổng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh ngay từ quý III/2015. Cụ thể, tỷ trọng này tăng từ 4,7% trong 6 tháng đầu năm 2015 lên 5,3% trong 9 tháng đầu năm 2015 và 6,2% trong 6 tháng đầu năm 2016. 

Cải thiện thủ tục hành chính để giúp DN tăng xuất khẩu

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khả năng đạt được chỉ tiêu xuất khẩu tăng 10% trong năm 2016 là thách thức rất lớn. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn. Theo đề xuất của cơ quan này, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực mà kim ngạch đang có xu thế giảm thấp so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sản phẩm dệt may, đồ gỗ, sản phẩm điện tử. Cụ thể hơn, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, các Bộ hữu quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, cần theo dõi sát sao các diễn biến thị trường thế giới để cho những thông tin và biện pháp hỗ trợ DN xuất khẩu một cách cụ thể, thiết thực trong từng thời điểm và theo nhóm hàng. Đặc biệt, ông Long nhấn mạnh, cần nỗ lực đẩy mạnh thực thi các giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho DN xuất khẩu thông qua việc cải cách hành chính, cải thiện các thủ tục và môi trường kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ DN để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong 2 quý cuối năm sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để khai thác tối đa các lợi thế nhằm thúc đẩy xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm truyền thống và những thị trường mới có tiềm năng. Ông Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính trong ngành, đồng thời giải quyết những khó khăn cho DN thông qua việc thiết lập đường dây nóng do Cục Xuất nhập khẩu trực tiếp phụ trách để tiếp nhận, xử lý nhanh nhất các vướng mắc cho DN trong hoạt động xuất khẩu.

Chuyên đề