Nợ công cao, các nước ASEAN đối diện mối đe dọa “original sin”

Tại Đông Nam Á, vấn đề cơ bản nhất của thị trường tài chính và nợ nước ngoài vẫn chưa được giải quyết.
Nợ công cao, các nước ASEAN đối diện mối đe dọa “original sin”

Ngay cả khi các đồng tiền trong khu vực đang lên giá, thị trường chứng khoán theo đà tăng và đầu tư nước ngoài quay trở lại, khối lượng lớn các khoản nợ còn lại vẫn là mối đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế.

Chính phủ và các công ty tại Indonesia, Malaysia và các quốc gia khác trong khu vực đang tiếp tục gia tăng việc vay mượn trong năm nay, sau khi liên tục bán đi một lượng lớn trái phiếu bằng USD trong 3 năm qua, trước mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể khiến đồng USD mạnh, tổn hại tới đồng tiền nội địa.

Tình trạng hiện tại của các thị trường mới nổi trong khu vực gần giống với mối đe dọa “original sin” - thuật ngữ được 2 nhà kinh tế học Barry Eichengreen và Ricardo Hausmann tạo nên sau khủng hoảng khu vực năm 1997-1998, được dùng để chỉ những khó khăn mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt khi các khoản nợ nước ngoài tăng lên nhanh chóng.

Các thị trường mới nổi hiện đang được hưởng lợi từ kỳ vọng Mỹ sẽ giữ mức lãi suất thấp, châu Âu và Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Mối đe dọa hiện tại đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có khu vực Đông Nam Á, là sự bình ổn của đồng nội tệ hiện tại có thể bị đe dọa bởi các yếu tố bất ổn, chẳng hạn từ các món nợ bằng đồng USD.

“Những lợi thế mà các nền kinh tế Đông Nam Á được hưởng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Nếu Fed nâng lãi suất một cách mạnh mẽ hơn dự đoán, một số nền kinh tế trong khu vực có thể bị tổn thương nặng nề”, Santitarn Sathiraithai, nhà kinh tế và chiến lược gia trưởng khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Credit Suisse Group AG nói.

Mối đe dọa “original sin” đang nghiêm trọng nhất tại Malaysia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm 2015 ước tính, các khoản nợ của Malaysia chiếm khoảng 70% GDP của quốc gia này, so với 20% tại Indonesia.
Kể từ đầu năm tới nay, chính phủ và các công ty thuộc ASEAN đã thu về 10 tỷ USD từ việc bán trái phiếu bằng USD, theo số liệu của Bloomberg, so với 37 tỷ USD thu về trong cả năm 2015. Trong số đó, dẫn đầu là Indonesia với 4 tỷ USD, Philippines với 2 tỷ USD và Malaysia với 1,75 tỷ USD.

Mối đe dọa “original sin” đang nghiêm trọng nhất tại Malaysia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm 2015 ước tính, các khoản nợ của Malaysia chiếm khoảng 70% GDP của quốc gia này, so với 20% tại Indonesia. Bên cạnh đó, các khoản nợ hộ gia đình tại Malaysia đang ở mức cao nhất trong khu vực, chiếm hơn 89% GDP, so với 16% tại Indonesia, theo báo cáo của Nomura Holdings Inc.

Chưa kể, theo ước tính từ Societe Generale SA, chỉ có 2 nền kinh tế mới nổi có dự trữ ngoại tệ dưới mức khuyến nghị của IMF, đó là Malaysia và Nam Phi. Quỹ dự trữ ngoại tệ của Malaysia trong năm ngoái đã giảm 18%, xuống còn 95,3 tỷ USD và mới chỉ nhích nhẹ đôi chút trong năm nay.

Phải nói rằng, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã đi được một quãng đường dài kể từ khi khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra, với việc xây dựng quỹ dự trữ, thả nổi tiền tệ và cân bằng chi tiêu công. Điều này đồng nghĩa với việc, các quốc gia trong khu vực đang ở vị trí tốt hơn để có thể đối phó với bất kỳ “cơn bão” mới nào, theo Eichengreen.

Mặc dù vậy, với việc các khoản nợ bằng USD ngày càng gia tăng, dòng vốn đầu tư bằng USD chảy mạnh vào các thị trường mới nổi, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá dầu sụt giảm cùng triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, các nền kinh tế mới nổi sẽ được hưởng lợi, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với nguy cơ gần kề.

Chẳng hạn, tại Indonesia, kể từ đầu năm tới nay, đã có 5 tỷ USD chảy vào thị trường trái phiếu quốc gia này và 300 triệu USD đổ vào thị trường chứng khoán, theo số liệu ước tính của OCBC.

Đa phần lượng vốn này chảy mạnh vào thị trường mới nổi như Indonesia bởi vì đồng USD yếu hơn so với đồng nội tệ của nước này, khi giới đầu tư nhận định Fed sẽ nâng lãi suất ở mức chậm hơn so với kỳ vọng trước đó.

Do đó, bất kỳ một thay đổi nào vể triển vọng thắt chặt tiền tệ của Fed đều có thể “bóp cò” cho việc hạ giá bất ngờ đối với các đồng tiền trong khu vực, khi USD trở nên mạnh hơn.

Chuyên đề