Những tiêu chí “đo ván” trong gói thầu bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các gói thầu bảo hiểm, do số lượng nhà thầu tham gia sân chơi đấu thầu không nhiều, báo cáo tài chính hầu hết được công khai, việc nắm năng lực tài chính của đối thủ rất dễ dàng. Vì thế, nhiều trường hợp, muốn loại nhà thầu nào thì chỉ cần cài vào hồ sơ mời thầu (HSMT) một vài tiêu chí.
Một số gói thầu bảo hiểm thời gian gần đây vẫn đưa vào HSMT những tiêu chí mà chỉ đọc qua đã biết sẽ loại hoặc gây bất lợi cho nhà thầu nào. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số gói thầu bảo hiểm thời gian gần đây vẫn đưa vào HSMT những tiêu chí mà chỉ đọc qua đã biết sẽ loại hoặc gây bất lợi cho nhà thầu nào. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo quan sát của Báo Đấu thầu, một số gói thầu bảo hiểm thời gian gần đây vẫn đưa vào HSMT những tiêu chí mà chỉ đọc qua đã biết sẽ loại hoặc gây bất lợi cho nhà thầu nào.

Đơn cử, 1 gói thầu bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bao gồm cháy nổ bắt buộc năm 2023 có dự toán 1,9 tỷ đồng, đưa ra một số tiêu chí đánh giá năng lực tài chính mà cả DN đang được xếp hạng đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng không đạt yêu cầu. Từng tiêu chí đưa ra tuy tính điểm, không loại ngay, nhưng vừa khéo để cộng điểm các tiêu chí vào sẽ không đáp ứng yêu cầu về mức điểm tối thiểu.

Cụ thể, một trong những tiêu chí đưa ra là “Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân 3 năm (2019 - 2021), nếu dưới 0% được đánh giá 0 điểm; từ 0% - dưới 5% được 1 điểm; từ 5% đến dưới 10% được 2 điểm; từ 10% trở lên được 5 điểm”.

Theo phân tích của một chuyên gia, doanh nghiệp có quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc càng lớn, thì thường tốc độ tăng trưởng không thể cao hơn các doanh nghiệp có quy mô doanh thu nhỏ hơn, thị phần thấp hơn. Những doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ, quy mô doanh thu thấp trong giai đoạn tăng trưởng nóng có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn, nhưng quy đổi ra số tuyệt đối thì giá trị lại nhỏ hơn rất nhiều so với DN có quy mô doanh thu lớn. Tiêu chí này hạn chế nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn. Ví dụ Bảo Việt nếu có tham gia cũng sẽ bị 0 điểm ở tiêu chí này, vì tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm trên dưới 0%.

Tiêu chí mang tính chốt chặn thứ hai được đưa vào HSMT là “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bình quân trong 3 năm (2019 - 2021): dưới 50% - 0 điểm; từ 50% đến dưới 60% - 1 điểm; từ 60% đến dưới 70% - 2 điểm; từ 70% trở lên - 5 điểm”.

Với tiêu chí này, PVI sẽ bị 0 điểm do tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bình quân trong 3 năm trên dưới 50%. Theo PVI, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để các nhà tái bảo hiểm nhận tái với tỷ lệ cao như PVI. Do vậy “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc” của PVI không thể cao như các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ khác, chủ yếu tập trung phần lớn cho mảng bán lẻ. Bên cạnh đó, tái bảo hiểm là công cụ quản trị, phân tán rủi ro hữu hiệu của những nhà bảo hiểm lớn, góp phần ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm gốc, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra sự cố thảm họa hay tích lũy rủi ro. Đây cũng là công cụ giúp cho khách hàng yên tâm hơn vì được bảo đảm khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm gốc, có thể nhận được bồi thường chính xác, đầy đủ, kịp thời nếu gặp rủi ro…

Tiêu chí thứ ba đưa vào HSMT này là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE bình quân 3 năm (2019 - 2021) dưới 0% - 0 điểm; từ 0% đến dưới 5% - 1 điểm; từ 5% đến dưới 10% - 2 điểm; từ 10% trở lên - 5 điểm. Theo một ý kiến, với thang điểm không hợp lý cho các mức từ 5% đến dưới 10% và trên 10% cách nhau tới 3 điểm, thì trong gói thầu này, nhà thầu như Bảo Minh có tỷ suất ROE 9,49% bình quân 3 năm, chỉ thiếu 0,51% mà bị mất tới 3 điểm.

Ba tiêu chí này, cộng với tiêu chí “yêu cầu về bản chào điều kiện, điều khoản bảo hiểm của nhà thầu” không đạt mức điểm tối thiểu, Liên danh PVI - PTI - Bảo Minh đã bị loại ở 1 gói thầu nhỏ vì không đáp ứng yêu cầu về mức điểm tối thiểu tại một số tiêu chí.

Nhiều chuyên gia bảo hiểm nhận định, việc đưa vào HSMT 2 tiêu chí “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc” và “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc” với cách tính điểm như trên là không có cơ sở. Những tiêu chí này được đưa vào nhiều gói thầu bảo hiểm làm hạn chế các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường, gây ra cạnh tranh không bình đẳng. Hơn nữa, cả hai tiêu chí này đều không phải là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính.

Trước đó, Báo Đấu thầu đã từng phản ánh nhiều gói thầu yêu cầu tiêu chí xếp hạng tín nhiệm tài chính của các tổ chức quốc tế, như A.M.Best, Standard & Poors… dẫn đến loại nhiều nhà cung cấp bảo hiểm đủ năng lực tài chính theo quy định, tiêu chuẩn trong nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê đây là hành vi hạn chế sự tham gia của nhà thầu với gói thầu phi tư vấn. Ngoài ra, việc HSMT đưa ra tiêu chí đánh giá về kỹ thuật và quy định điểm tối thiểu cho cả các tiêu chí đánh giá thành phần trong tiêu chí đánh giá tổng quát; trong đó chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng tất cả các tiêu chí cũng là hành vi hạn chế cạnh tranh.

Chuyên đề