Những thương hiệu là niềm tự hào của người Việt

(BĐT) - Những thương hiệu Việt có giá trị lên đến hàng triệu, hàng tỷ USD có thể được coi là đại diện cho hình ảnh, tinh hoa của đất nước, không chỉ là niềm tự hào của bản thân doanh nghiệp (DN), mà còn là niềm tự hào, kỳ vọng của người dân nước nhà.
Một số thương hiệu Việt đang thể hiện năng lực cạnh tranh với các đối thủ ở môi trường toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Một số thương hiệu Việt đang thể hiện năng lực cạnh tranh với các đối thủ ở môi trường toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Giá trị thương hiệu Việt thăng tiến

Tổng giá trị 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2019, theo công bố của Forbes Việt Nam, đạt hơn 9,3 tỷ USD, tức tăng 1,2 tỷ USD so với năm ngoái. Trong đó, 10 thương hiệu dẫn đầu bao gồm các tên tuổi quen thuộc như Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail.

Đứng đầu danh sách là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỷ USD. Theo sau là Viettel với giá trị thương hiệu hơn 2,1 tỷ USD. Vinamilk và Viettel là hai thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại của danh sách. Ngoài ra, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có 10 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao xét theo giá trị.

Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) cũng đã công bố Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2019 với tổng giá trị thương hiệu đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018. Trong Top 50 có sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu Việt Nam đến từ nhiều lĩnh vực như: Viettel, VNPT, MobiFone, FLC, PetroVietnam, Vietjet Air, VietinBank, VPBank, SHB, Techcombank, Vinhomes... Theo đánh giá của đại diện Brand Finance, các thương hiệu Việt Nam đang đi đúng định hướng theo chuẩn mực quốc tế, thể hiện năng lực cạnh tranh với các đối thủ ở môi trường toàn cầu trong không gian công nghệ.

Trong danh sách này, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD, tăng 20%, tức hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018, có giá trị gấp gần 3 lần thương hiệu đứng thứ 2 và bằng tổng giá trị của 3 thương hiệu ở vị trí liền sau trong danh sách. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viettel giữ vững ngôi đầu, thuộc Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Với giá trị hiện tại, Viettel tiếp tục là thương hiệu duy nhất của Việt Nam và là một trong 8 thương hiệu của Đông Nam Á lọt Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance công bố. 

Khởi đầu gian nan và tầm ảnh hưởng lớn

Ngày 20/8/1976, Vinamilk được thành lập trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa do chế độ cũ để lại. Trải qua ba thời kỳ từ bao cấp, đến đổi mới, rồi tiếp nữa là cổ phần hóa, Vinamilk đã từng bước lớn mạnh vượt bậc. Theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2019 đã hợp nhất, doanh thu thuần quý II/2019 của Vinamilk đạt gần 14.600 tỷ đồng, tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là quý Vinamilk đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinamilk đạt doanh thu 27.788 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng mức tăng 7,61%.

Theo báo cáo của Vietnam Report, năm 2018, Vinamilk tiếp tục đứng đầu phân khúc sữa nước với khoảng 55% thị phần. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Công ty đặt mục tiêu mỗi năm tăng 1% thị phần và tới năm 2021 sẽ đạt trên 60% thị phần sữa nước.

Vinamilk hiện có 13 nhà máy, trong đó có 2 nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương với hệ thống thiết bị khép kín, tự động hóa từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy Sữa bột của Công ty mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột, còn Nhà máy Sữa Việt Nam (Mega factory) đã hoàn thành giai đoạn 2, nâng công suất lên 800 triệu lít sữa/năm. Vinamilk còn đầu tư xây dựng Nhà máy Sữa Angkor tại Campuchia với tỷ lệ sở hữu 100%, nắm 22,8% cổ phần tại Nhà máy Sữa Miraka (New Zealand), và đầu tư công ty con tại Ba Lan.

Riêng với Viettel, dường như bắt đầu làm viễn thông từ con số 0, nhưng giờ đã trở thành “người khổng lồ” ở Việt Nam và vươn tầm ảnh hưởng ra quốc tế. 30 năm kể từ ngày ra đời, Viettel đã và đang khởi tạo cho mình cũng như cho ngành viễn thông - công nghệ - công nghiệp của nước nhà những nền tảng vững chắc. Năm 2000, Viettel ra mắt đầu số 178 trên nền dịch vụ VoIP, đánh dấu bước chuyển mình của ngành viễn thông Việt Nam. Điện thoại đường dài từ chỗ là dịch vụ đắt đỏ đã trở nên rẻ hơn nhiều so với trước đó.

Năm 2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động với đầu số 098. Sau chưa đầy 1 năm, Viettel tạo nên sức hút và bứt tốc mạnh mẽ, đạt mốc 1 triệu thuê bao - mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Từ con số 0 doanh thu viễn thông vào năm 2000, đến năm 2010, Viettel đã trở thành nhà mạng hàng đầu ở Việt Nam.

Năm 2006, Viettel thành lập Ban Dự án đầu tư nước ngoài với mục tiêu ban đầu là khai trương được mạng viễn thông ở hai quốc gia láng giềng là Campuchia và Lào. Năm 2009, Metfone chính thức hòa mạng, cùng thời điểm Viettel trở thành nhà mạng số 1 ở Việt Nam về thuê bao và lợi nhuận. Đây cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên một DN viễn thông Việt Nam có nhà mạng riêng tại thị trường quốc tế. Từ thành công ở Campuchia, 31 nhân sự Viettel tiếp tục được cử đến Lào để thực hiện Dự án Unitel.

Từ năm 2009 - 2018, Viettel liên tục mở rộng thị trường quốc tế với việc triển khai hoạt động từ châu Á đến châu Phi và Mỹ Latinh. 10 công ty mang thương hiệu của Viettel đang hoạt động trên 3 châu lục. Đặc biệt, sau 10 năm khởi động và triển khai, Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, đang nghiên cứu thiết bị phát sóng 5G…, đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và lọt top 50 thương hiệu viễn thông đắt giá nhất hành tinh. Ngày 10/5/2019, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên, đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất thế giới. 

Nỗ lực không ngừng

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các thương hiệu thuộc Top 10 đang tạo nên 68% giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu là một khía cạnh để tăng trưởng giá trị kinh doanh cho DN. Điều này được minh chứng bởi con số 52% giá trị DN toàn cầu ngày nay là vô hình, thuộc về giá trị thương hiệu tạo nên”.

Dù đã có những nỗ lực không ngừng, nhưng so với thế giới, tổng giá trị 18,9 tỷ USD của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2019 vẫn rất nhỏ. Viettel - thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD cũng chỉ mới có mặt trong danh sách 500 thương hiệu lớn nhất thế giới 2 năm nay. Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt chưa chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, cũng chưa biết thương hiệu của mình được định giá bao nhiêu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, chỉ tỷ lệ rất ít DN quan tâm và đầu tư thích đáng cho xây dựng thương hiệu dưới cấp độ cao nhất là quản trị tài sản, coi thương hiệu là tài sản và định giá dựa trên góc độ quản trị một tài sản. Còn hầu hết các DN Việt Nam chỉ quản trị thương hiệu ở mức thấp nhất, tức là cấp độ quản trị các dấu hiệu. Phần lớn vẫn là làm thế nào để có được bộ nhận diện, logo, khẩu hiệu, đăng ký bảo hộ ở thị trường... Nhiều DN chưa hướng đến giá trị cao hơn, đó là tạo dựng phong cách, bản sắc.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra ngoài danh sách 50 thương hiệu nói trên, ông Samir Dixit cho rằng, DN Việt mới chỉ chú trọng nhiều vào marketing để thúc đẩy bán hàng, chứ chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu. Đây là một sai lầm rất lớn. Cho nên, các DN cần chú trọng phát triển thương hiệu, đồng thời phải biết thương hiệu của mình được định giá bao nhiêu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh, sức mạnh thương hiệu đóng vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng của DN. Thương hiệu mạnh sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng mới, xây dựng lòng trung thành của khách hàng cũ, từ đó tạo ra kết quả doanh thu và lợi nhuận tốt hơn. Sở hữu một thương hiệu mạnh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ và khả năng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư