Những quyết sách làm nên tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi của năm 2023, nền kinh tế nước ta tiếp tục tạo nên những kết quả tích cực, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá “vượt gió ngược” thành công.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp triển khai đã hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp triển khai đã hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên

Trong nước, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, địa phương đánh giá cao vai trò điều hành linh hoạt, quyết liệt, cùng phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách, góp sức tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng của năm 2023 và tạo nền cho phát triển dài hạn…

Những giải pháp kịp thời

Kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đến từ nhiều quyết sách, trong đó quyết sách đầu tiên là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Nghị quyết được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, theo tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương - bản lĩnh, linh hoạt - đổi mới, sáng tạo - kịp thời, hiệu quả”. Nghị quyết đưa ra 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 142 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, là kim chỉ nam cho hoạt động điều hành, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong năm 2023.

Chịu ảnh hưởng từ nhiều khó khăn khách quan, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GDP) nước ta mới đạt 3,72%, là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Tuy nhiên, các giải pháp chính sách kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống sau thời điểm này đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nền kinh tế về đích năm 2023 với tăng trưởng 5,05%. Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính căn cơ để cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số… Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành ngày 15/7/2023, tiếp tục tạo động lực chính sách, thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế vượt khó, đi lên.

Để khơi thông nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng chính sách đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư... Ở vai trò là thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, năm 2023, Bộ đã báo cáo Thủ tướng kiện toàn Tổ công tác, đồng thời trực tiếp chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiều dự án … Cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ghi nhận mức tăng ước tính 6,2% so với năm trước. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công năm 2023 ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 3,58%. Về số tuyệt đối, vốn đầu tư công được giải ngân năm 2023 cao hơn khoảng 142,56 nghìn tỷ đồng so với năm 2023, cung ứng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp sức tạo nên tăng trưởng.

Trong công tác thu hút nguồn lực quốc tế, bối cảnh khó khăn diễn ra trên toàn cầu nhưng tại Việt Nam, năm 2023 ghi nhận vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn thực hiện ước đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay… Các nỗ lực tham mưu chính sách để giữ vững vị thế Việt Nam trong thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế đã góp phần tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là dòng vốn chất lượng cao. Nhiều nhà đầu tư lớn, tập đoàn đầu tư toàn cầu tiếp tục tìm đến Việt Nam, mong muốn mở rộng hoạt động, phát triển sản xuất lâu dài tại Việt Nam.

Năm 2023, Google hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2023, Google hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Lê Tiên

Truyền lửa sáng tạo, khơi động lực tăng trưởng mới

Với chủ trương phát huy sức mạnh trí tuệ của Việt Nam và nguồn lực trong và ngoài nước, trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Hiện thực hóa chủ trương này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ trì phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với hạt nhân là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Nhiều chương trình, hoạt động liên tục được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo, phát triển nhân tài; xây dựng và phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo; phối hợp với Vietchallenge tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo tại Hoa Kỳ…

Chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá, những nỗ lực ấy tiếp tục truyền lửa, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ trên toàn quốc, thúc đẩy từng chủ thể nắm bắt những cơ hội mới đang mở ra với nền kinh tế. Đặc biệt, tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được khánh thành, cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trên 40 quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2025. Nhiều nỗ lực kết nối, trao đổi và mở rộng cơ hội hợp tác, nghiên cứu, đầu tư cho doanh nghiệp trong nước đã diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với quy mô mang tầm quốc tế.

Trong đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đồng thời tổ chức Triển lãm Đổi mới sáng tạo quốc tế Việt Nam 2023 chính là hiện thực hóa công cuộc đổi mới sáng tạo, tạo không gian đổi mới sáng tạo cho đất nước. Những nỗ lực này thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, góp phần tạo nên biểu tượng mới cho Việt Nam và động lực cho tăng trưởng dài hạn.

Ngày 11/1/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại NIC Hòa Lạc, đồng thời kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các địa phương. Hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Hội nghị là dịp để ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cùng đánh giá lại những mặt được, chưa được đối với từng lĩnh vực công tác trong năm 2023; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 để phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được, kiên quyết khắc phục nhanh những mặt còn hạn chế, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư