Những quyết sách làm nên dáng vóc hạ tầng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mấy năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng Việt Nam vươn mình trỗi dậy với nhiều công trình chiến lược được triển khai. Hệ thống đường bộ tốc độ cao, năng lực thông hành lớn với trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây, các vành đai động lực đồng bộ, hiện đại dần được định hình, hiện thực hóa mỗi ngày.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Tường Lâm
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Tường Lâm

Cùng với đó, các cảng hàng không cũng được đầu tư xây dựng nhằm mở rộng cửa bầu trời, đón bắt cơ hội phát triển lớn. Chủ trương đúng đắn, cách làm mới đã giúp hệ thống hạ tầng thay da, đổi thịt, tạo nền tảng nâng tầm phát triển đất nước.

Cuộc cách mạng làm cao tốc

Có mặt trên công trường xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận không khí thi công rất nhộn nhịp. Tại hạng mục nhà ga hành khách hơn 35 nghìn tỷ đồng, các nhà thầu đã huy động 657 nhân sự cùng 352 thiết bị xe máy thường trực và sẵn sàng tăng tốc thi công. Ở hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, đội ngũ hùng hậu 343 kỹ sư, công nhân cùng 147 thiết bị máy móc hối hả thi công khu phụ trợ, lắp dựng các phòng thí nghiệm, đào đắp đất, thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý vật liệu… Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Chủ đầu tư Dự án thành phần (DATP) 3 Các công trình thiết yếu Cảng HKQT Long Thành, tiến độ các hạng mục xây dựng đang bám sát kế hoạch. Hình hài Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 4,665 tỷ USD, công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm đang dần hiện hữu.

Ở Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, hiện gói thầu thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy hầm đã thực hiện đạt 99% giá trị hợp đồng. Với gói thầu thi công xây dựng Nhà ga hành khách T3 vừa được khởi công cuối tháng 8/2023, các nhà thầu đang khẩn trương tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Không chỉ cảng hàng không, các công trường đường bộ từ Bắc chí Nam cũng “nhộn nhịp” không kém khi thời tiết thuận lợi. Đơn cử, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhiều công trình cao tốc, cầu như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2 cũng chung không khí hối hả 3 ca, 4 kíp, vượt thách thức với quyết tâm về đích. Chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ có 2 công trình giao thông lớn hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu Mỹ Thuận 2 (5.000 tỷ đồng) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hơn 4.800 tỷ đồng). Dịp Tết Nguyên đán tới đây, hai công trình này sẽ giúp cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - TP. Cần Thơ liền một mạch, thông thoáng, rút ngắn thời gian lưu thông và thúc đẩy kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Theo tổng kết sơ bộ, trong hơn 2 năm qua, cả nước đã hoàn thành xây dựng 659 km cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đã vào sử dụng là 1.729 km. Công cuộc “cách mạng” làm cao tốc có nhiều khởi sắc. Đầu năm 2023, 12 DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đồng loạt khởi công. Đặc biệt, tháng 6/2023 loạt dự án được triển khai xây dựng với mục tiêu kết nối nội vùng, liên vùng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 188,2 km, 44.691 tỷ đồng), Vành đai 3 - TP.HCM (dài 76 km, hơn 75 nghìn tỷ đồng), Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 53,7 km, 17,8 nghìn tỷ đồng), Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (dài 117,5 km, 21.935 tỷ đồng), Vành đai 4 - TP. Hà Nội (dài 112,8 km, 85.813 tỷ đồng), Cao Lãnh - An Hữu (dài 27,43 km, 5.886 tỷ đồng). Cũng trong năm 2023, nhiều DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông như: Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Đột phá từ cơ chế chính sách mới

Theo dự kiến, đầu năm 2024, hàng loạt dự án cao tốc sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án để khởi công. Đó là cao tốc: Hòa Bình - Mộc Châu (65 km), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (93 km), Giầu Dây - Tân Phú (60 km), Tân Phú - Bảo Lộc (66 km). Các dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Mộc Châu - Sơn La, TP.HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang được khẩn trương chuẩn bị thủ tục trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thành tựu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm là minh chứng cho việc đề ra đường lối đúng đắn và các cơ chế, chính sách mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Theo đó, Nghị quyết của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2025 cần đạt ít nhất 3.000 km.

Trong dịp dự Lễ khởi công Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM và các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (ngày 18/6/2023), Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu 5.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác năm 2030 là nặng nề. Tuy nhiên, kết quả xây dựng 1.163 km đường bộ cao tốc giai đoạn 2000 - 2021 mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để triển khai đúng hướng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay. Qua tổng kết, công thức để đầu tư hệ thống hạ tầng đường cao tốc giai đoạn mới chính là “cơ chế đặc thù”.

Thứ nhất là đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm cơ quan chủ quản, thay vì giai đoạn trước chỉ Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Thứ hai là áp dụng cơ chế huy động nguồn lực. Theo đó, đa dạng các nguồn lực như kết hợp ngân sách trung ương - địa phương; tăng thu giảm chi; nguồn vốn đầu tư công trung hạn; các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ chế mới, thực hiện tổng lực nhằm huy động mức đầu tư lớn gần 500 nghìn tỷ đồng. Thứ ba là cơ chế đặc thù cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các DATP, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, bình thường chuẩn bị 1 dự án mất 3 năm, nay với cơ chế đặc thù rút ngắn xuống 1 năm. Các cơ chế đã và đang phát huy tốt đa tác dụng, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Để thành công, khâu thực thi cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng.

Chuyên đề