Những nhịp cầu kết nối khát vọng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ ngày cầu Như Nguyệt bắc qua bờ sông Cầu, người dân Bắc Giang và Bắc Ninh qua lại thuận tiện hơn so với trước. Đến Tết Nguyên đán năm nay, hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên sẽ có thêm kết nối mới khi chủ đầu tư và các nhà thầu quyết tâm đưa Dự án Cầu Hòa Sơn về đích đúng hạn. Và một ngày không xa nữa, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương sẽ được kết nối bởi cây cầu Đồng Việt.
Cầu Đồng Việt vượt sông Thương nối Bắc Giang và Hải Dương là cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và lớn nhất tại Bắc Giang. Ảnh: Tường Lâm
Cầu Đồng Việt vượt sông Thương nối Bắc Giang và Hải Dương là cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và lớn nhất tại Bắc Giang. Ảnh: Tường Lâm

Có thể nói, những cây cầu hiện đại đã khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, tạo thành động lực tăng trưởng kinh tế cho cả khu vực phía Bắc.

Dồn nguồn lực cho những cây cầu

Được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp của khu vực phía Bắc, nhưng việc đi lại và lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương và các khu vực lân cận lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn do ngăn cách bởi những con sông.

Do đó, để mở rộng không gian phát triển, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, trong những năm gần đây, Bắc Giang đã chủ động huy động và dành nguồn lực đáng kể ưu tiên xây dựng mới một số cây cầu liên thông với các tỉnh phía Bắc.

Thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Bắc Giang đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng 5 cây cầu quy mô lớn với tổng kinh phí xây dựng hơn 3.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, cầu Á Lữ nối đôi bờ sông Thương và cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu đã được hoàn thành. 3 cây cầu còn lại đang được khẩn trương thi công là cầu Đồng Việt, cầu Hòa Sơn, cầu Hà Bắc 2.

Trong đó, cầu Đồng Việt vượt sông Thương nối Bắc Giang và Hải Dương nằm trong Dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu, huyện Yên Dũng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.492,479 tỷ đồng, chiều dài tuyến 8,59 km. Ở phía Tây, giáp ranh với Thái Nguyên, cây cầu Hòa Sơn nối hai bờ sông Cầu cũng đang thành hình. Công trình cầu Hòa Sơn thuộc Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ Quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn). Dự án có tổng mức đầu tư 543,142 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương và vốn ngân sách tỉnh.

Đồng tâm hiệp lực kết nối đôi bờ

Thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang (Chủ đầu tư) cho biết, cầu Đồng Việt là cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và lớn nhất tại Bắc Giang hiện nay. Đảm nhận Gói thầu số 07 Thi công xây dựng là Liên danh Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam với giá trúng thầu là 1.132 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc điều hành dự án của Nhà thầu thực hiện Gói thầu số 07 cho biết, đến ngày 23/11/2023, công tác thi công của các nhà thầu thành viên đều bảo đảm tiến độ, đã hoàn thành từ 65 - 75% khối lượng công việc.

Trước đây, người dân Hải Dương và Bắc Giang muốn qua sông Thương thường phải đi phà Đồng Việt mất từ 20 - 30 phút. Khi cầu Đồng Việt được đưa vào sử dụng sẽ chỉ mất 5 phút. Không chỉ đi lại, lưu thông hàng hóa nhanh hơn mà chi phí vận chuyển cũng được giảm đi đáng kể, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Đinh Thắng, Phó Chỉ huy trưởng công trường, Nhà thầu Trung Chính đang thi công hạng mục trụ tháp T7 và phần dầm cầu dây văng. Tính đến ngày 23/11/2023, trụ tháp T7 đã thi công xong 16/17 đốt tháp, dự kiến hoàn thành 17/17 đốt tháp trong tháng 11... Nhà thầu phấn đấu đến đầu tháng 6/2024 sẽ hợp long phần cầu chính và cầu dẫn, hướng tới hoàn thành vào đầu tháng 9/2024, dự kiến vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng (tháng 12/2024).

“Để đạt được tiến độ như hiện tại, Nhà thầu Trung Chính đã huy động 80 công nhân chia 3 ca, 4 kíp làm việc 24/24h trên công trường và tập trung thiết bị, máy móc, vật tư đáp ứng kịp thời cho Dự án”, ông Thắng chia sẻ.

Trong quá trình thi công, ông Tú cũng cho biết, các nhà thầu đã gặp một số khó khăn do tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm, vật liệu đất đắp khan hiếm và giá cả tăng cao... Tuy nhiên, đến nay những khó khăn này đã phần nào được tháo gỡ, nhờ có sự chủ động của Nhà thầu và sự ưu tiên hỗ trợ của Chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thạo cho biết, bên cạnh cầu Đồng Việt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Hòa Sơn. Phần cầu Hòa Sơn (Gói thầu số 10) do Công ty CP Cầu 14 thực hiện có giá trị hợp đồng 150,512 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 11/2021 và đã hợp long ngày 13/11/2023. Nhà thầu đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành công trình, thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2023 theo đúng cam kết. Phần đường dẫn (Gói thầu số 08 do Liên danh Công ty CP Trường Hạnh - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô BQP thi công và Gói thầu số 09 do Liên danh Công ty CP Đầu tư Thiên Ân - Công ty CP Xây dựng giao thông Bắc Giang thực hiện) đã cơ bản hoàn thành thi công.

“Trước đây, người dân Hải Dương và Bắc Giang muốn qua sông Thương thường phải đi phà Đồng Việt mất từ 20 - 30 phút. Khi cầu Đồng Việt được đưa vào sử dụng sẽ chỉ mất 5 phút. Không chỉ đi lại, lưu thông hàng hóa nhanh hơn mà chi phí vận chuyển cũng được giảm đi đáng kể, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Rồi đây, dọc theo những tuyến đường mới mở sẽ có thêm những khu công nghiệp, nhà máy, đô thị mọc lên…”, ông Trần Ngọc Tú mường tượng.

Những nhịp cầu được hoàn thành sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, tăng tính liên kết giữa các vùng, đưa hàng hóa tỏa đi muôn nơi, lên cửa khẩu Hữu Nghị qua cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, vươn ra cảng biển Hải Phòng, phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông… góp phần “chắp cánh” cho khu vực phía Bắc phát triển trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư